Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn sẽ tăng mạnh trong năm 2025?
Trong năm 2017, năm đầu tiên sau khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 21,8% so với cùng kỳ, sau đó tốc độ tăng trưởng giảm dần còn 13,3% trong năm 2018 và 8,4% trong năm 2019...
Kết quả bầu cử Mỹ vừa qua với việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử đã mang đến nhiều bất định về triển vọng thương mại toàn cầu năm 2025.
Hiện tại, kịch bản cơ sở của các tổ chức tài chính đều đưa ra một mức đánh thuế thận trọng hơn so với thông điệp của ông Trump trong quá trình bầu cử, gồm kịch bản đánh thuế từ 20-30% đối với hàng hoá Trung Quốc và không áp thuế toàn diện lên các quốc gia còn lại.
Thời điểm bắt đầu áp thuế chính thức cũng quan trọng, trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên (2016-2020), Trump chỉ có thể thực hiện đánh thuế có mục tiêu đối với hàng hoá Trung Quốc từ năm 2018.
Theo ước tính của Oxford Economics, cần khoảng 11 tháng để hoàn thành các vấn đề pháp lý liên quan để nâng thuế quan, do đó, tác động tiêu cực của việc Mỹ nâng thuế quan đối với các nước có quan hệ thương mại với Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ bộc lộ từ năm 2026.
Trong kịch bản Trump áp thuế 10% đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, Oxford Economics ước tính tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm từ 0,4-0,5% so với kịch bản cơ sở trong năm 2026-2027 do tác động của thuế quan lên tăng trưởng khu vực sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong nhận định mới đây, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng ngắn hạn, thương mại toàn cầu có thể sẽ nhận được sự thúc đẩy từ chiến thắng của ông Trump do những biện pháp hỗ trợ tài khoá được chính quyền Trump 2.0 áp dụng tác động đến nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ.
Đồng thời, tương tự những gì đã diễn ra trong giai đoạn 2016-2017, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể sẽ lớn hơn nếu đơn hàng tăng trong ngắn hạn nhằm ứng phó với những rủi ro tăng thuế trong tương lai. Ngoài ra, chiến thắng của Trump cũng có thể thúc đẩy việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng của tập đoàn đa quốc gia và các nhà sản xuất Trung Quốc.
Trong năm 2017, năm đầu tiên sau khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 21,8% so với cùng kỳ, sau đó tốc độ tăng trưởng giảm dần còn 13,3% trong năm 2018 và 8,4% trong năm 2019. Do đó, VDSC nghiêng về kịch bản Việt Nam có thể được hưởng lợi trong năm 2025 nhờ những yếu tố kể trên.
Mới đây, nhận định riêng về ngành thủy sản, VDSC đặt giả định nếu Mỹ áp thuế lên ngành thủy sản, mức thuế kỳ vọng không quá cao do giá trị xuất - nhập khẩu thủy sản của Mỹ thấp.
Giá trị xuất khẩu thủy sản Mỹ trung bình 2021-2023 đạt 7,1 tỷ USD chiếm 0,4% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Giá trị nhập khẩu thủy sản trung bình 2021-2023 đạt 30,7 tỷ USD chiếm 1% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu tại Mỹ.
Ngành thủy sản Việt Nam sẽ có khả năng biến động nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc và 10-20% lên các nước khác.
Trước giai đoạn áp thuế, sản lượng thủy sản xuất khẩu sẽ tăng mạnh đột ngột do người mua nhập khẩu trữ hàng trước để tránh thuế cao. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển dự kiến tăng theo sẽ bào mòn bớt lợi nhuận.
Sau khi mức thuế có hiệu lực, ngành cá tra sẽ hưởng lợi nhiều hơn ngành tôm. Ngành cá tra dự kiến sẽ chiếm một phần miếng bánh 10% thị phần của cá rô phi tùy theo khả năng cạnh tranh về giá sau thuế nhập khẩu. Giá cá tra trung bình 8 tháng năm 2024 hiện thấp hơn giá cá rô phi (85% từ Trung Quốc) và giá cá Minh Thái Alaska (Nội địa Mỹ) lần lượt 46% và 8%.
Ngành tôm dự kiến không hưởng lợi và cũng không ảnh hưởng tiêu cực nếu bị áp thuế đồng bộ do các nước xuất khẩu tôm qua Mỹ chủ yếu là Ấn độ, Ecuador, Indonesia và giá bán tôm Việt Nam cũng thường duy trì ở mức cao hơn giá tôm nội địa sản xuất tại Mỹ.
Số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10/2024 có sự hồi phục nhẹ so với tháng trước, đạt 69,2 tỷ $, tăng 5,2% so với tháng trước và 11,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 35,6 tỷ $, tăng 4,6% so với tháng trước và 10,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 33,6 tỷ $, tăng 5,8% so với tháng trước và 13,6% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng thương mại trong tháng đầu quý 4/2024 đã giảm dần như kỳ vọng, tuy vẫn ở mức cao.
Trong tháng 10/2024, xuất khẩu qua hai thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục suy yếu, trong khi có sự phục hồi ở các thị trường còn lại. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ thu hẹp chỉ còn tăng 17,0% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 22,8% của tháng trước.
Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 16,1% so với cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng xuất khẩu chung, tăng 24,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm dần qua các tháng, luỹ kế 10 tháng năm 2024 gần như không tăng trưởng so với cùng kỳ.