07:35 03/11/2024

Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh tại các thị trường chủ lực

Chu Khôi

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU chỉ giảm trong tháng 2 và 3, các tháng còn lại đều ghi nhận tăng trưởng hai con số. Tín hiệu tích cực này cho thấy tôm Việt Nam đang ngày càng khẳng định được chất lượng, đảm bảo được các yêu cầu cao tại thị trường EU...

Xuất khẩu tôm 9 tháng năm 2024  đạt 2,8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tôm 9 tháng năm 2024 đạt 2,8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sau 9 tháng năm 2024, mặt hàng tôm mang về kim ngạch cao nhất, đạt 2,8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… đều ghi nhận tăng trưởng khả quan.

VẪN CÒN NHIỀU CƠ HỘI TĂNG TRƯỞNG

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 585 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó tôm chân trắng và tôm hùm có mức tăng trưởng ấn tượng. Nguyên nhân là do Trung Quốc đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng chi tiêu, tiêu dùng trong dân, điều này hỗ trợ cho hoạt động nhập khẩu tôm vào thị trường này. Xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ đạt 566 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023…

Theo VASEP, EU hiện là thị trường lớn thứ 4 nhập khẩu tôm của Việt Nam, đạt trên 360 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường trong 3 quý năm 2024. Tuy nhiên, tại thị trường này, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ nặng ký đến từ châu Á (như Ấn Độ, Thái Lan) và Mỹ Latinh (như Ecuador, Brazil).

“Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU chỉ giảm trong tháng 2 và tháng 3, các tháng còn lại đều ghi nhận tăng trưởng hai con số. Việc tôm Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu vào thị trường EU cho thấy tôm Việt Nam đang ngày càng khẳng định được chất lượng, đảm bảo được các yêu cầu cao tại thị trường EU”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định. 

Với những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, thị trường EU đã trở thành một thước đo quan trọng cho năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam. Từ việc giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình nuôi, đến việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và phúc lợi động vật, mỗi con tôm xuất khẩu đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất.

 
Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh tại các thị trường chủ lực - Ảnh 1

Đối với Hoa Kỳ, VASEP cho biết 9 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 566 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã hạ lãi suất trong kỳ họp tháng 9/2024 và kỳ vọng sẽ có thêm hai đợt hạ lãi suất vào tháng 11 và tháng 12/2024 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng do chi phí vay giảm, nhất là khi số lượng việc làm đang tăng. Điều này có lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, trong đó mặt hàng tôm sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt hơn trong những tháng tới.

Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), trong tháng 8/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ ghi nhận tăng trưởng tích cực, trong khi các đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador đều giảm. Hơn nữa, giá trung bình nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Hoa Kỳ ghi nhận tăng từ 4,59 USD/pao vào tháng 7/2024 lên 4,95 USD/pao vào tháng 8/2024.

XUẤT KHẨU CẢ NĂM CÓ THỂ ĐẠT 3,7-3,8 TỶ USD

Một thông tin vui đối với ngành tôm là ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá (AD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Indonesia và các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Theo đó, thuế CVD đối với tôm Ấn Độ là 5,77%, cao hơn của Việt Nam (2,84%). Tôm Ecuador nhận được kết quả tích cực với thuế AD, tuy nhiên phải nhận mức thuế CVD trung bình là 3,78%. Ngược lại, tôm Indonesia  nhận kết quả tích cực với thuế CVD nhưng phải nhận mức thuế AD trung bình là 3,90%.

Tôm Việt Nam có kết quả tích cực hơn 3 nước còn lại trong đợt công bố này của DOC. Sau đợt công bố kết quả cuối cùng của DOC, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 5/12/2024. Nếu có phán quyết cuối cùng từ ITC, thì việc ban hành lệnh sẽ diễn ra vào ngày 12/12/2024.

VASEP nhận định năm 2024, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường. Do vậy, tính đến cuối tháng 9/2024, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ hơn với mức 4,5%.

Nhờ xuất khẩu tôm tăng mạnh, nên giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đã ghi nhận tích cực hơn kể từ tháng 7/2024. Giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều từ tháng 7 đến tháng 9/2024. Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU cũng ghi nhận tăng từ tháng 6/2024. Giá xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng nhẹ.

Dự kiến, giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý 4/2024, tuy nhiên có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ, do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu Tết Nguyên đán và năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm. Với những kết quả và tình hình hiện nay, VASEP dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2024 sẽ đem về 3,7-3,8 tỷ USD...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2024 phát hành ngày 04/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh tại các thị trường chủ lực - Ảnh 2