10 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới
10 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới hiện nắm giữ tổng tài sản 9,6 nghìn tỷ USD, trong đó lớn nhất là Quỹ Hưu trí Chính phủ Toàn cầu (GPFG) với tài sản 1,7 nghìn tỷ USD...
Năm 1953, Quỹ Đầu tư Quốc gia Kuwait (KIA) được thành lập, đánh dấu sự ra đời của quỹ đầu tư quốc gia đầu tiên trên thế giới. Quỹ này được thiết kế để quản lý nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ của Kuwait.
Từ đó đến nay, nhiều quỹ đầu tư quốc gia được thành lập. Trong đó, 100 quỹ lớn nhất nắm giữ tổng tài sản 13,7 nghìn tỷ USD. Đây là các quỹ đầu tư thuộc sở hữu của chính phủ với nguồn vốn thường đến từ xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên hay thặng dư thương mại.
Đồ thị thông tin dưới đây gồm 10 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới tính theo tài sản dựa trên số liệu tháng 2/2025 của tổ chức Sovereign Wealth Fund Institute.

Top 10 quỹ đầu tư quốc gia này hiện nắm giữ tổng tài sản 9,6 nghìn tỷ USD. Trong đó, Quỹ Hưu trí Chính phủ Toàn cầu (GPFG) của Na Uy là quỹ lớn nhất với tài sản 1,7 nghìn tỷ USD. Vốn của GPFG chủ yếu là nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ và khí đốt trên biển Bắc của Na Uy. Năm 2024, quỹ này lãi kỷ lục 222 tỷ USD nhờ danh mục cổ phiếu công nghệ. Tính tới năm 2024, các cổ phiếu lớn nhất trong danh mục của GPFG là Apple, Microsoft và Nvidia.
Theo sau GPFG là 2 quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc gồm Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) và Công ty Đầu tư SAFE với tài sản lần lượt là 1,3 nghìn tỷ USD và 1,1 nghìn tỷ USD. Hai quỹ này đóng vai trò chủ chốt trong các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường và các ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc. Thông qua 2 quỹ này, hàng tỷ đô la đã được rót vào các dự án đường sắt, năng lượng xanh và khai khoáng khắp châu Phi. Theo đó, đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi nhiều hơn 2,5 lần so với đầu tư của tất cả các nước phương Tây tại khu vực này cộng lại.
Vào đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh về việc thành lập một quỹ đầu tư quốc gia Mỹ trong vòng một năm tới. Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ có trách nhiệm đệ trình kế hoạch cho quỹ đầu tư quốc gia này, bao gồm các khuyến nghị về "cơ chế tài trợ, chiến lược đầu tư, cơ cấu quỹ và mô hình quản trị", trong vòng 90 ngày kể từ khi sắc lệnh được ký.
Trong sắc lệnh, ông Trump chưa nêu rõ nguồn vốn cho quỹ này. Thông thường, các quỹ tương tự có nguồn vốn từ thặng dư ngân sách. Tuy nhiên, năm 2024, Chính phủ Mỹ thâm hụt ngân sách 1,83 nghìn tỷ USD và đây cũng là năm thâm hụt ngân sách thứ 5 liên tiếp.