07:39 24/08/2022

Áp dụng quy định mới trong quản lý, bảo trì công trình đường thủy nội địa từ tháng 11

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thông tư mới về việc quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, góp phần tạo điều kiện cho phát triển vận tải thủy...

Vốn duy tu bảo dưỡng hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thực tế.
Vốn duy tu bảo dưỡng hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thực tế.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 21/2022/TT-BGTVT quy định quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (Thông tư số 21). 

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và có hiệu lực kể từ ngày 1/11 tới đây.

 

Dự kiến sau khi Thông tư có hiệu lực sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, tạo điều kiện cho phát triển vận tải thủy, phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tư này thay thế Thông tư số 01/2019/TT-BGTVT ngày 11/1/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa. Đồng thời, bãi bỏ Điều 7 Thông tư số 35/2020/TT-BGTVT ngày 23/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Thông tư số 21 nêu rõ, công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa bao gồm: luồng đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng; cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, âu tàu, công trình đưa phương tiện qua đập thác; kè, đập giao thông; báo hiệu đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ: mốc cao độ, mốc tọa độ, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng, nhà trạm; công trình, vật dụng kiến trúc, thiết bị phục vụ trực tiếp công tác quản lý, bảo trì và khai thác giao thông đường thủy nội địa (bao gồm cả hệ thống công nghệ).

Còn việc bảo trì công trình đường thủy nội địa là tập hợp các công việc nhằm đảm bảo và duy trì sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác và sử dụng.

Nội dung bảo trì công trình đường thủy nội địa có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình; bổ sung thay thế hạng mục, thiết bị để việc khai thác sử dụng công trình đường thủy nội địa đảm bảo an toàn nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình đường thủy nội địa.

Thông tư số 21 còn đề cập đến trình tự thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa bao gồm 5 bước, gồm: (i) lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa; (ii) lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường thủy nội địa; (iii) thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa và quản lý chất lượng công việc bảo trì; (iv) đánh giá an toàn công trình đường thủy nội địa; (v) lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình đường thủy nội địa.

Chi phí bảo trì công trình đường thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 8/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.

Thông tư số 21 cũng đề cập rõ kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm bao gồm 4 nội dung chính.

Một là, bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa bao gồm: kiểm tra tuyến định kỳ, đột xuất, phục vụ công tác nghiệm thu; khảo sát, đo dò bãi cạn, luồng qua khu vực phức tạp; kiểm tra đèn báo hiệu, tín hiệu; điều chỉnh, dịch chuyển báo hiệu đường thủy nội địa trên bờ, dưới nước; bảo dưỡng báo hiệu, tín hiệu, phương tiện, thiết bị, các công trình phục vụ trên tuyến đường thủy nội địa đang khai thác; trực đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc, phòng chống thiên tai...

Hai là, sửa chữa định kỳ công trình đường thủy nội địa bao gồm: khảo sát phục vụ quản lý và thông báo luồng; nạo vét đảm bảo giao thông luồng theo cấp kỹ thuật đã công bố; nạo vét chỉnh trị luồng và gia cố mái taluy (nếu có) theo cấp kỹ thuật; sửa chữa âu tàu, kè, nhà trạm; thanh thải vật chướng ngại trong luồng và hành lang bảo vệ luồng; bổ sung, thay thế báo hiệu, tín hiệu; sửa chữa, thay thế, bổ sung hạng mục, công trình phụ trợ, phương tiện, thiết bị, phụ kiện và các phần mềm...

Ba là, sửa chữa đột xuất công trình đường thủy nội địa bao gồm: sửa chữa sự cố hư hỏng do thiên tai hoặc sự cố bất thường khác gây ra.

Bốn là, các công việc khác: danh mục công trình chuẩn bị đầu tư; xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật quản lý, bảo trì đường thủy nội địa; lập, điều chỉnh quy trình và định mức quản lý, khai thác, bảo trì đối với công trình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã đưa vào khai thác, sử dụng; ứng dụng công nghệ phục vụ quản lý, bảo trì công trình đường thủy nội địa; quan trắc, kiểm định chất lượng công trình đường thủy nội địa.

Thông tư số 21 cũng thay đổi một số mốc thời gian trong việc lập, phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm.

 

Theo Bộ Giao thông vận tải, nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa từ ngân sách nhà nước rất thấp, khoảng 1,5-2,5% so với tỷ trọng đầu tư của toàn ngành. Vốn duy tu bảo dưỡng cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thực tế.