16:16 28/07/2021

Nhỏ giọt 2% vốn toàn ngành, đường thuỷ nhiều năm "thoi thóp"

Ánh Tuyết

5 năm qua, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa từ ngân sách nhà nước “nhỏ giọt”, khoảng 1,5-2,5% toàn ngành. Vốn duy tu bảo dưỡng chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Để thúc đẩy vận tải đường thủy nội địa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

TỶ TRỌNG ĐẦU TƯ THẤP

Trước đó, để khuyến khích phát triển vận tải đường thủy nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 5/10/2015 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường thủy hàng năm được cấp tăng từ 20-25%. Năm 2015 là 547 tỷ đồng, năm 2020 là 980 tỷ đồng, đã xử lý các bãi cạn, đoạn cạn trên 26 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với khối lượng 1,47 triệu m3.

Công tác khảo sát phục vụ quản lý và thông báo luồng tăng từ 400km/năm lên 1.200km/năm. Công tác sửa chữa bổ sung, thay thế báo hiệu tăng từ 300-400 báo hiệu/năm lên từ 700-900 báo hiệu/năm…

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện các nội dung chính sách tại Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg, Bộ Giao thông vận tải cho biết, năm 2020, khối lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa đạt 337,1 triệu tấn, chiếm 19% toàn ngành, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 68,9 tỷ tấn.km, chiếm 20,3% toàn ngành.

 
"Nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa từ ngân sách nhà nước còn rất thấp, khoảng 1,5-2,5% so với tỷ trọng đầu tư của toàn ngành. Tổng số km được đầu tư cải tạo, nâng cấp giai đoạn từ năm 2002 đến nay khoảng 2.000km trên tổng số 6.658,1 km quản lý, tương ứng 30%".
Bộ Giao thông vận tải.

Với tổng số vốn đầu tư là 11.586 tỷ đồng, đường thuỷ được đầu tư 5 dự án bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; 3 dự án nguồn vốn ODA. Vốn duy tu bảo dưỡng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế.

Nguồn vốn bảo trì thấp, hệ thống phao tiêu, báo hiệu bằng thép đã cũ, trên 40% quá thời hạn sử dụng. Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật chưa theo kịp công nghệ mới.

Việc ứng dụng công nghệ quản lý mới còn nhiều bất cập về cơ chế chính sách sử dụng vốn và chưa đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống đường thuỷ nội địa địa phương mới chỉ công bố tuyến, đầu tư cơ sở hạ tầng, báo hiệu còn hạn chế, kết nối chưa đồng bộ, khai thác hiệu quả chưa cao.

ƯU TIÊN BỐ TRÍ VỐN, GIẢI QUYẾT NÚT THẮT

Để tháo gỡ các khó khăn, bất cập nêu trên, theo Bộ Giao thông vận tải, cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách được ban hành tại Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa gồm 12 điều.

Đáng chú ý, về cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, dự thảo đề xuất ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế có ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giúp kết nối hiệu quả giao thông vận tải đường thủy nội địa với các cảng biển chính.

Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để giải quyết nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không cầu trên các hành lang vận tải thủy chính theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã có dự án đầu tư, phát triển cảng thủy nội địa; ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng container ở khu vực phía bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Đồng thời, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đội tàu có cơ cấu hợp lý, đến năm 2026 tăng bình quân hàng năm từ 1% đến 3% số lượng phương tiện vận tải thủy các loại, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải thủy nội địa; ưu tiên phát triển phương tiện thủy nội địa phương tiện thủy nội địa có kích cỡ lớn, có trọng tải trên 1.500 tấn, phương tiện chở hàng container có sức chở đến 160 TEU ở khu vực phía Bắc, đến 250 TEU ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long;