Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 1
Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 2

Tổng sản phẩm trong nước quý 1/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020 và 2021.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1/2022 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn đầu tư khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước đều tăng trên 9%, phản ánh kinh tế vĩ mô ổn định. Vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5,92 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm qua, khẳng định sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam.

Thương mại quốc tế phát triển khá, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2022 đạt 242,19 tỷ USD, trong đó có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD…

Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 3

Bên cạnh những điểm sáng, bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm 2022 cũng có một số gam màu tối cần lưu ý.

Một là, trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chăn nuôi đang đối mặt với những khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; khai thác thủy sản chịu ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu, nhiều tàu thuyền không thể ra khơi, điều này dẫn tới giá thực phẩm có thể tăng vào những quý tới trong năm.

Hai là, ngành xây dựng có mức tăng thấp, phản ánh khó khăn của ngành này khi triển khai giải ngân vốn đầu tư và thực hiện xây lắp do giá vật liệu xây dựng tăng cao, mặc dù Chính phủ liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư.

Ba là, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%, thấp hơn 2,9 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2021, phản ánh tổng cầu của nền kinh tế phục hồi chậm.

Bốn là, khu vực doanh nghiệp, vốn đóng góp trên 60% vào GDP, vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hơn 49,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng cần khoảng thời gian nhất định để đi vào hoạt động sản xuất, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong khi đó, có tới 61,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cho thấy những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp chưa được khắc phục để duy trì sản xuất.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được xử lý, khủng hoảng Nga - Ukraine càng gây nên thiếu hụt nguồn cung, khiến lạm phát gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới.

Đối với kinh tế Việt Nam, lạm phát hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, giá gas trong nước biến động theo giá xăng dầu và giá gas thế giới, bình quân 4 tháng tăng 24,6%.

Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 4

Ngược lại, giá các loại thực phẩm bình quân 4 tháng đầu năm 2022 giảm 0,94% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam là quốc gia chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm, đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu tiêu dùng xã hội.

Mặc dù giá xăng dầu tăng cao và giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng, do sức mua của người tiêu dùng yếu nên cộng đồng doanh nghiệp chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để không tăng giá bán sản phẩm cũng là yếu tố góp phần kiểm soát lạm phát 4 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, việc thực hiện miễn, giảm học phí của một số địa phương nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch cũng đã giúp chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 3,93%, tác động làm CPI chung giảm 0,21 điểm phần trăm.

Ngược với xu hướng lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng cao, Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 4 tháng đầu năm nay do Chính phủ chủ động chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách được ban hành kịp thời, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4/2022.

Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 5

Mặc dù lạm phát trong 4 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.

Có 3 nhóm chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế) chiếm 50,98%.

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch gây ra chưa được khắc phục thì khủng hoảng Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga được mô tả là “mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu” đối với nhiều quốc gia càng làm trầm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung của nền kinh tế, là một trong những nguyên nhân chính làm giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao.

Sản lượng sản xuất và thị phần xuất khẩu một số mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng (như: xăng dầu, khí đốt, lúa mì, nhôm, nickel, ngô, phân bón…) của Nga và Ukraine rất lớn, vì vậy nếu căng thẳng kéo dài sẽ gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên, vật liệu này trong thời gian tới, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế và gia tăng áp lực lạm phát đối với các quốc gia.

Nguy cơ mới có thể hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với áp lực gia tăng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc theo đuổi chính sách zero covid, làm gián đoạn hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Điều này dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và giá cả hàng hóa sẽ càng bị đẩy lên cao.

Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 6

Thứ hai, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. Đại dịch và khủng hoảng Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên, vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây. Tháng 3 năm 2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,5% - mức cao nhất kể từ năm 1981, lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng ở mức cao kỷ lục 7,5% và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng cao.

Đối với nước ta, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.

Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Đặc biệt, xăng dầu sản xuất trong nước chỉ chiếm từ 70 - 75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước; sản xuất xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá dầu Brent tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 3 năm 2022, Tập đoàn tài chính ING, có trụ sở chính tại Amsterdam dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2022 ở mức 96 USD/thùng; Bloomberg dự báo 92 USD/thùng năm 2022 và 86 USD/thùng năm 2023.

Với kinh tế Việt Nam, xăng dầu có tác động sâu, rộng tới các ngành và lĩnh vực, dự báo trong năm 2022 giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế.

Ngoài ra, giá nguyên, vật liệu, kim loại công nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá lương thực thế giới tăng cao, vượt dự báo của nhiều tổ chức tài chính và kinh doanh hàng hóa quốc tế. 

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu. Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế, do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại.

Thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa một số lĩnh vực tại địa phương do ảnh hưởng của đại dịch trong năm 2021 nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh đã gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động, tạo áp lực rất lớn đối với khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

Để có đủ lao động, doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải trả lương cao hơn, tăng chi phí đào tạo và tuyển dụng, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm. Nếu không khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người lao động và tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, thiếu hụt lao động sẽ đẩy giá cả tăng cao. Đây cũng là yếu tố gây áp lực lạm phát của nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 7

Thứ ba, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện trong hai năm 2022 - 2023 Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.

Trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng, gói tài khóa chiếm 83%, trị giá 291 nghìn tỷ đồng, gói tiền tệ chỉ chiếm 14%, còn lại 3% là các gói hỗ trợ khác. Trong gói tiền tệ, gói giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% trị giá 49,4 nghìn tỷ đồng không bơm tiền ra lưu thông. Gói cấp bù lãi suất 2%/năm trị giá 40 nghìn tỷ đồng cũng không chuyển trực tiếp cho doanh nghiệp và bơm tiền ra thị trường. Ngoài ra, gói tăng hạn mức bảo lãnh đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập... và gói 46 nghìn tỷ đồng để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 cũng không bơm tiền ra thị trường. Do đó, các gói hỗ trợ liên quan tới chính sách tiền tệ không gây áp lực lên lạm phát.

Tuy nhiên, gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trị giá 113.550 tỷ đồng có khả năng gây áp lực lên lạm phát do tăng đầu tư khiến nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng, sắt thép và các loại vật tư, thiết bị, nguyên liệu khác phục vụ công trình xây dựng tăng, nhất là trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới đang bị gián đoạn và chao đảo do cuộc chiến ở Ukraine sẽ khiến giá các mặt hàng này tăng cao. Thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn cung nguyên, vật liệu xây lắp không dồi dào sẽ tạo thêm áp lực lạm phát.

Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 8

Ngay khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các quốc gia thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ với các gói kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm phục hồi, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo năm 2019 - năm trước đại dịch.

Năm 2021 được đánh giá thành công trong phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng lạm phát tăng cao. Nhiều quốc gia thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách do lo ngại ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế.

Tuy vậy, khủng hoảng Nga - Ukraine cùng với các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã làm đứt gãy nguồn cung, gây nên lạm phát chuỗi cung ứng, đẩy kinh tế Mỹ và các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu suy giảm với lạm phát tăng cao kỷ lục.

Trong một tuyên bố gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh châu lục này đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ với dự báo lạm phát tại châu Á sẽ tăng 3,2% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra trước đây, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 4,9%, do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc.

Các yếu tố về nguồn cung, căng thẳng địa chính trị đưa đến rủi ro làm gia tăng lạm phát. Gần đây, IMF dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra; Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng thì lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 4,5%; tuy nhiên, nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng thì lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%.

Căn cứ vào các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và dự kiến tăng lương tối thiểu vùng cũng như giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới; giá lương thực gia tăng theo giá lương thực thế giới… do đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, lạm phát của Việt Nam năm 2022 dự kiến nằm trong khoảng 4 - 4,5%.

Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5 - 5,5%, lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.

Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 9

Để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Hai là, trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, các nước thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga làm trầm trọng thêm thiếu hụt nguồn cung. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung; đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên, vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ba là, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên, vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Bốn là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Năm là, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn, cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên, nhiên, vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn, cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.

Sáu là, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế.

Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, giảm áp lực lạm phát từ xăng dầu, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm thiểu tác động trái chiều làm giảm hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế.

Bảy là, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục. Nghiên cứu thời điểm, mức độ điều chỉnh giá điện, dịch vụ do Nhà nước quản lý, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Tám là, các cơ quan truyền thông cần thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai gây ra.

Hiện nay, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến mau lẹ, khó lường, các biện pháp trừng phạt và trả đũa khốc liệt chưa từng có, vì vậy việc ban hành chính sách và giải pháp phải nhanh, thiết thực, đảm bảo minh bạch, gắn với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi của nền kinh tế và áp lực lạm phát gia tăng.

Bên cạnh đó, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo việc triển khai thực hiện, đưa các chính sách, giải pháp vào cuộc sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính sách và giải pháp tốt nhưng chậm triển khai thực hiện thì sẽ không còn tác dụng.

Áp lực lạm phát rất lớn - Ảnh 10

VnEconomy 22/05/2022 06:00