Doanh thu của Burberry tăng cao bất chấp đại dịch
Theo hãng xa xỉ phẩm Anh quốc này, doanh thu bán lẻ trong 13 tuần tính đến ngày 26/6 đã tăng 86% lên 479 triệu bảng Anh (662 triệu USD), với doanh số bán tại các cửa hàng tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái và 1% so với hai năm trước. Doanh số tăng mạnh do có nhiều khách hàng trẻ mới cũng như tăng trưởng doanh số mạnh trong mảng túi xách và áo trench coats.
CEO Burberry, ông Gobbetti, người đã thúc đẩy Burberry phát triển mạnh trong lĩnh vực hàng xa xỉ, cho biết: “Chúng tôi đã có sự khởi đầu xuất sắc trong năm tài chính mới này. Doanh thu bán lẻ tăng mạnh cũng như các bộ sưu tập và chương trình của chúng tôi đã thu hút khách hàng mới, trẻ đến với Burberry”.
Theo ông Gobbetti, thương hiệu vẫn đang gắn bó với diện mạo mới mà nhà thiết kế ngôi sao Riccardo Tisci tạo nên, với các phản hồi tích cực từ khách hàng châu Á và một vài dấu hiệu tốt từ thị trường Mỹ. “Đây không phải là thị trường ngách. Khách hàng Millennial và Gen-Z sẽ nhanh chóng chiếm trọn 60% doanh số tại các thị trường trọng điểm của châu Á. Họ đã cho thấy sự đón nhận mạnh mẽ đối với các sản phẩm của Riccardo”. Ông cũng cho biết thêm: “Đây là nhóm khách hàng rất có ý thức về thời trang và cực kỳ tự do trong cách ăn mặc. Họ không làm theo bất kỳ quy tắc nào mà chúng ta có ở châu Âu, mà thực sự xem thời trang như một cách tự do thể hiện cá tính.”
Burberry cho biết vẫn nhận thấy đà tiếp tục tăng trưởng tại Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc, với doanh thu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 27%. Tuy nhiên, khu vực châu Mỹ nổi bật hơn cả với doanh số tăng 341% so với cùng kỳ năm ngoái, và 34% so với 2 năm trước đây.
Tuy nhiên, thị trường châu Âu vẫn chưa phục hồi do các cửa hàng tiếp tục đóng cửa ở một số quốc gia và lượng khách du lịch giảm. Doanh thu của các cửa hàng tại khu vực này giảm 38% so với hai năm trước. Dù vậy, ông Gobbetti khẳng định Burberry đang vững bước trên con đường tăng trưởng đồng thời bày tỏ tin tưởng hãng này sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong trung hạn.
Hồi tháng Sáu,ông Marco Gobbetti đã thông báo sẽ rời tập đoàn thời trang xa xỉ của Anh vào cuối năm nay sau 4 năm tại nhiệm, và chuyển sang lãnh đạo Ferragamo, thương hiệu thời trang nổi tiếng có nguồn gốc từ Ý. Burberry sẽ tìm kiếm người thay thế cho vị trí quan trọng này. “Với Burberry đang tái nạp năng lượng và trên con đường tăng trưởng ổn định, tôi cảm thấy đây là thời điểm từ nhiệm”, Gobbetti nói.
Sau khi thông tin trên được đưa ra, giá cổ phiếu của Burberry đã giảm 9,0% ở London, trong khi đó giá cổ phiếu của Salvatore Ferragamo tại sàn giao dịch Milan tăng 2,2%.
Marco Gobbetti nhậm chức CEO tại Burberry vào năm 2017 để kế nhiệm Christopher Bailey. Tại Burberry, ông đã quản lý một cuộc đại tu tài chính cho thương hiệu và là người đứng sau việc bổ nhiệm giám đốc sáng tạo Riccardo Tisci vào năm 2018. Bộ sưu tập thời trang nam gần đây nhất của Tisci cho Burberry SS 22 đã được ca ngợi bởi sự phá cách trang nhã và độc đáo trong từng thiết kế.
Cổ phiếu của Burberry đã tăng gần 1/3 kể từ khi Gobbetti đảm nhiệm, đã giảm 6% xuống còn 21,15 bảng/cổ phiếu trong chỉ số FTSE 100 chỉ sau vài phút khi thị trường mở cửa. Dưới thời Gobbetti, Burberry đã chuyển đổi lên thị trường cao cấp hơn với nhiều sản phẩm high-end hơn nữa. Vị CEO 62 tuổi người Ý này trước đó đã dẫn dắt các thương hiệu nổi tiếng như Celine, Givenchy và Moschino trước khi gia nhập Burberry.