Gương hậu: Xe chính chủ, người chính danh

An Nhi
Suy xét tận gốc của vấn đề, thì dường như quy định "chính chủ" đang bị hiểu sai
Xung quanh câu chuyện này có lẽ nên tách ra thành hai chữ, hai vế, giữa một bên là chính chủ với một bên là chính danh.
Xung quanh câu chuyện này có lẽ nên tách ra thành hai chữ, hai vế, giữa một bên là chính chủ với một bên là chính danh.
Khổng Tử nói, "chính danh" là làm cho đúng với danh nghĩa, cư xử và hành động đúng với cương vị mỗi người trong xã hội. Vậy "chính danh" có khác với "chính chủ", từ có tần suất xuất hiện kỷ lục trên các phương tiện truyền thông vài ngày qua?

Nguyên do của sự lùm xùm quanh câu chuyện xe chính chủ là một quy định trong Nghị định 71 của Chính phủ vừa được đưa vào thực thi. Quy định này nói về chế tài xử phạt đối với hành vi chuyển nhượng phương tiện mà không sang tên đổi chủ, tuyệt nhiên không có chữ chính chủ nào cả.

Ấy vậy mà chữ chính chủ vẫn ra đời rồi tạo nên một làn sóng dư luận trong dân chúng, trong cả giới chuyên gia, nhà quản lý đến chính khách.

Cách đây 10 năm, người viết từng một lần bị phạt về lỗi điều khiển xe không chính chủ. Tôi cự lại rằng tôi đi xe của anh tôi thì sao bị phạt. Anh cảnh sát giao thông bảo, nếu vậy thì kêu chính chủ xe đến giải quyết nhé. Nước này thì đành nộp phạt, vì chủ xe ở xa, gọi đến thế nào.

Ví dụ này cho thấy chữ chính chủ mà ta đang bàn luận nhiều, có lẽ, xuất phát từ cách gọi của các đồng chí cảnh sát giao thông.

Nhưng suy xét tận gốc của vấn đề, thì dường như quy định "chính chủ" đang bị hiểu sai. Rõ ràng, quy định chỉ nêu việc xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ, nghĩa là nhắm vào chủ sở hữu phương tiện chứ không phải người sử dụng phương tiện.

Điều này, vài ngày qua bản thân nhiều đại biểu quốc hội, đại diện nhiều cơ quan quản lý cũng đã giải thích giúp, khá cặn kẽ.

Lại nhưng, vì khi ra đường và bị kiểm tra giấy tờ, xe không đứng tên mình, cảnh sát hỏi thì ra cả mớ lý do, nào là đi xe của anh, của chị, của bố, của mẹ. Vân vân và vân vân. Thế rồi, cảnh sát giao thông yêu cầu chính chủ trực tiếp giải quyết, đây là mấu chốt của vấn đề để rồi phát sinh ra bao nhiêu thứ nữa.

Điều đáng thông cảm với ngành cảnh sát giao thông là ở chỗ, các anh thực thi luật pháp, cụ thể là hành vi không sang tên đổi chủ thì các anh phải biết được rằng chiếc xe mà các anh kiểm tra đã chuyển nhượng chưa hay chỉ là xe mượn, xe thuê.

Khó là ở chỗ đó, nên chuyện chính chủ mới nở xòe ra thành chuyện lớn, chứ thực chất đâu có lớn đến thế.

Hình dung gọn thôi, một cách cơ bản nhất, xung quanh câu chuyện này có lẽ nên tách ra thành hai chữ, hai vế, giữa một bên là chính chủ với một bên là chính danh.

Xe chính chủ là xe của chính anh, người đang sử dụng phương tiện (và bị kiểm tra giấy tờ). Còn chính danh, theo thuyết của Khổng Tử, thì anh sử dụng xe của người thân đâu có gì là sai.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), ông Lê Hồng Sơn nói đại ý rằng quản lý việc không sang tên đổi chủ đâu phải chức năng của cảnh sát giao thông. Thành thử ra, Nghị định 71 vô hình trung đã tạo điều kiện cho cảnh sát giao thông can thiệp quá sâu vào những lĩnh vực không phải trách nhiệm quản lý của mình. “Như thế là đang “ép” quan hệ dân sự, làm co lại sự phát triển của xã hội. Người ta đi xe không chính chủ là việc bình thường”.

Đến đây thì rõ ràng mối lo bị xử phạt của những người mượn xe người thân hay thậm chí là sử dụng xe của chung trong gia đình bắt đầu được gỡ bỏ, vì đó là chính danh. Song quan trọng là, cần phải có văn bản hướng dẫn rõ hơn, kỹ hơn để dân chúng hiểu mà tuân thủ pháp luật.

Nói thế chưa hẳn là thoái thác cho quy định pháp luật, cho ngành công an và mặc kệ cho những hành vi chuyển nhượng nhưng không sang tên đổi chủ.

Ai đó nói, tôi mua xe, giấy tờ chủ cũ giao cho đầy đủ, giấy bán cũng đầy đủ, vậy là chính danh. Không phải thế. Anh mua xe nghĩa là xe đó thành của anh, nó phải được mang tên anh. Không mang tên anh thì nó không phải của anh, không chính danh mà cũng chẳng chính chủ. Nói lỡ miệng, lúc nào đó anh đánh rơi giấy bán xe, công an quy anh tội ăn trộm thì anh giải thích thế nào?

Rõ ràng trong quan hệ mua bán, việc sang tên đổi chủ là đương nhiên.

Còn sự chính danh, như đã nói ở trên, là một câu chuyện khác, hơi trừu tượng nhưng cần hiểu rõ kẻo lại trở thành không chính chủ.

Tổng thể trong câu chuyện này, có lẽ cần nhất là sự tự giác tuân thủ pháp luật của mỗi người dân, là không phát sinh những câu chuyện tương tự kiểu chính chủ thế này nữa.

Và cũng mong rằng, người thân trong gia đình tôi sẽ không bị phạt lỗi xe không chính chủ hay ít nhất không gặp phiền phức trong chuyện giải thích sự chính danh. Vì có mấy chiếc xe trong gia đình, tất thảy chỉ mỗi tôi là… chính chủ.

* Xuất hiện thứ Bảy hàng tuần,“Gương hậu” là tiểu mục bình luận thể hiện quan điểm cá nhân của các nhà báo, cộng tác viên và bạn đọc tham gia chuyên mục Xe 360º, không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Chúng tôi tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.