Nguy cơ giảm phát đe dọa Trung Quốc

Trung Việt
Trung Quốc vừa đưa ra một loạt biện pháp kích thích xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
Một lao động ngoại tỉnh trước giờ lên tàu tại nhà ga xe lửa Bắc Kinh (Trung Quốc), hôm 16/12/2008. Khó khăn kinh tế đang đe dọa việc làm của nhiều lao động Trung Quốc - Ảnh: AP.
Một lao động ngoại tỉnh trước giờ lên tàu tại nhà ga xe lửa Bắc Kinh (Trung Quốc), hôm 16/12/2008. Khó khăn kinh tế đang đe dọa việc làm của nhiều lao động Trung Quốc - Ảnh: AP.
Trung Quốc vừa đưa ra một loạt biện pháp kích thích xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong bối cảnh nhu cầu của các thị trường nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến lần đầu tiên trong 7 năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc suy giảm; trong khi chỉ số lạm phát giá cả sản xuất giảm mạnh, làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiểu phát ở Trung Quốc.

Nguy cơ đã rõ

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 6,6% của tháng 10/2008, làm dấy lên mối lo ngại về việc nền kinh tế  nước này sẽ bị suy giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 của Trung Quốc đã giảm xuống còn 2,4%, thấp hơn mức 4% trong tháng 10. Theo giới phân tích, xu hướng suy giảm chỉ số PPI tiếp tục có thể dẫn tới việc suy giảm chỉ số lạm phát hàng hoá và  gây ra tình trạng thiểu phát trong tương lai.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tháng 11 vừa qua giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 114,98 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu giảm 17,9%, xuống 74,89 tỷ USD. Các nhà kinh tế cho rằng, việc suy giảm xuất khẩu ngoài dự đoán vừa qua là do nhu cầu giảm sút ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, những nước tiêu thụ tới 46% hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc vừa đưa ra biện pháp nhằm giúp các nhà xuất khẩu đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu là cho phép việc giao dịch buôn bán với một số quốc gia láng giềng được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ của nước này.

Theo đó, nếu hai đối tác tham gia giao dịch thương mại đã có sẵn tiền Nhân dân tệ thì họ không cần sử dụng thị trường hối đoái để thanh toán. Như vậy, đồng tiền này có thể được sử dụng để thanh toán trong thương mại giữa Trung Quốc với Hồng Kông, Macau và các quốc gia Đông Nam Á.

Nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đối phó nguy cơ giảm phát, tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 23/12 đã hạ lãi suất cho vay thời hạn một năm xuống còn 5,31%, đồng thời hạ lãi suất tiền gửi thời hạn một năm xuống 2,25%. Cùng với quyết định trên, Trung Quốc cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng đi 0,5%, bắt đầu từ ngày 25/12 tới.

Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống tài chính sẽ có thêm 300 tỷ Nhân dân tệ (44 tỷ USD) tiền mặt. Một số nhà phân tích dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong những tháng tới, để không khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm mà muốn họ tăng chi tiêu nhiều hơn.

Kích cầu nội địa, khuyến khích chi tiêu

Các ngân hàng lớn ở Trung Quốc cũng đã cam kết thực thi trách nhiệm xã hội của họ trong việc chống lại tình trạng kinh tế suy giảm; cam kết cung cấp thêm tín dụng vào những lĩnh vực được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, như cơ sở hạ tầng, phúc lợi nông thôn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và công việc tái thiết các khu vực bị động đất.

Ngoài biện pháp tài chính, Trung Quốc cũng đang chú trọng kích cầu nội địa và thực thi các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, Trương Bình vừa cho biết, Trung Quốc đang triển khai gói kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, kinh phí đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường sắt, sân bay và đường cao tốc ước khoảng 1.800 tỷ Nhân dân tệ. Hàng trăm tỷ Nhân dân tệ cũng sẽ được đầu tư cho các công trình xây dựng ở nông thôn, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường và tái thiết các vùng bị thiên tai... Dự kiến đến năm 2010, gói tăng trưởng kinh tế có thể kích thích GDP của Trung Quốc tăng thêm 1%/năm.

Trong một văn bản được công bố sau cuộc họp hôm 24/12, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra thêm một số biện pháp nhằm kích cầu trong nước. Trong đó có việc trợ cấp các hộ gia đình nông thôn Trung Quốc mua thiết bị gia dụng cũng như thiết lập những trung tâm phân phối và cửa hàng mới ở những vùng nông thôn. Chính phủ Trung Quốc cũng đã tăng tiền lương hưu và tiền trợ cấp cho những gia đình có thu nhập thấp.

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc còn dự định giảm thêm thuế xuất khẩu cho các loại hàng hóa công nghệ cao để khuyến khích đầu tư nước ngoài, mở rộng hoạt động hải quan và thanh tra, giảm phí kiểm tra cho hàng hóa xuất khẩu, tăng cường quan hệ thương mại đối với những thị trường mới nổi.

Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm 2009. Dự đoán này dựa trên kỳ vọng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 4,2% trong năm tới. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng trao đổi buôn bán của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm sút trong năm 2009.

Tin mới

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi được biết đến là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới đã tạo ra tác động đáng kể đến thị trường xe điện (EV) thời gian qua. Xiaomi đã vượt qua mục tiêu bán hàng đầy tham vọng vào năm 2024 là 130.000 xe chỉ trong vòng 9 tháng. Mẫu xe điện đầu tiên của công ty, SU7, ra mắt vào tháng 3, là nền tảng cho thành công này dù vướng phải nhiều tranh cãi.
Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Theo Nghị định số 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thay thế cho Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với hiện tại.