Toàn cảnh bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp quý 2/2022
Lợi nhuận ròng thị trường Qúy 2/2022 tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 36,7% so với cùng kỳ trong quý 1/2022, theo thống kê của VnDirect.
TĂNG TRƯỞNG LỢI NHUẬN TOÀN THỊ TRƯỜNG CHẬM LẠI TRONG QUÝ 2/2022
Lợi nhuận ròng quý 2/2022 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM) tăng 13,5% so với cùng kỳ, chậm hơn so với mức tăng 36,7% của quý 1/2022 và mức 72,7% của quý 2/2021. Trong 6 tháng năm 2022, lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng 24,2%.
Ngành Ngân hàng, Dầu khí và Hóa chất là động lực tăng trưởng quý 2/2022. Tổng lợi nhuận ròng của ngành Ngân hàng tăng 39,8% trong quý 2/2022, cao hơn so với mức tăng 31,7% của quý 1/2022 và mức tăng 34,3% của quý 2/2021. Chi phí dự phòng giảm 17% so với cùng kỳ trong quý 2/2022 trong khi tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng 13 điểm so với cùng kỳ lên 1,56% trong quý 2/2022.
Ngành Dầu khí có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng nhất với 172,6%, hưởng lợi khi giá dầu tăng đột biến, chủ yếu do tăng trưởng của BSR (+488%).
Lợi nhuận ròng của ngành Hóa chất tăng 139%, thấp hơn mức 193% so với cùng kỳ trong quý 1/2022 do giá phân bón và phốt pho đạt đỉnh.
Tổng cộng, ngành Ngân hàng, Dầu khí và Hóa chất đã đóng góp 21,1% vào tăng trưởng lợi nhuận ròng qúy 2 của thị trường.
Đáng chú ý, ngành Du lịch & hàng không thu hẹp khoản lỗ xuống còn 2.212 tỷ đồng (60% so với quý 1/2022), nhờ sự bùng nổ của du lịch nội địa và nối lại các chuyến bay quốc tế.
Ngành Vận tải và Dịch vụ tiện ích tăng trưởng vượt kì vọng trong quý 2/2022. Lợi nhuận Ngành dịch vụ tiện ích tăng tốc với mức tăng 88,7% trong quý 2022/22, mạnh hơn hai quý trước, chủ yếu nhờ GAS (+124,9%). Ngành Vận tải (cảng và logistic) có tốc độ lợi nhuận ròng tăng 116,6% trong quý 2/2022, cao hơn nhiều so với mức 33,1% trong quý 1/2022, nhờ có ACV (+666,8%) và MVN (+192,6%).
Thép, Chứng khoán và Bất động sản công bố tăng trưởng lợi nhuận ròng âm trong quý 2/2022. Do biên lợi nhuận gộp giảm, các công ty sản xuất thép đã công bố mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 2/2022 giảm mạnh 67%, kéo tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường giảm 8,6%.
Các doanh nghiệp Bất động sản có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm 35,8% trong quý thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, nếu loại trừ VHM, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng trưởng dương 52,7% trong quý 2/2022. Lợi nhuận ròng của các công ty Chứng khoán giảm sâu 93,5% trong quý 2/2022, do sự suy giảm của chỉ số và thanh khoản thị trường.
LỢI NHUẬN NHÓM PENNY "BAY MÀU"
Xét theo nhóm vốn hóa, lợi nhuận ròng của nhóm vốn hóa lớn tăng trưởng vượt trội. Lợi nhuận quý 2/2022 của VN30 giảm 2,5%, suy giảm là do VHM (-95%) và HPG (-59%).
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vốn hóa lớn vẫn có dấu ấn mạnh mẽ trong quý 2/2022 với tăng trưởng lợi nhuận ròng 24,1% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi một số cái tên đáng chú ý: BSR (+488%), ACV (+667%), SHB (+72%), KBC (+4.535 %), DGC (+455%),…
Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ bắt đầu cảm thấy sức ép từ chi phí tăng và biên lợi nhuận gộp thu hẹp. Lợi nhuận ròng của nhóm vốn hóa vừa giảm 25,4% so với cùng kỳ trong khi nhóm vốn hóa nhỏ chỉ nhích lên 3,6% so với cùng kỳ trong quý 2/2022.
Lợi nhuận ròng của nhóm VN30 giảm 2,5% so với cùng kỳ trong quý 2/2022. 18 doanh nghiệp trong VN30 tăng trưởng tích cực, dẫn đầu là GAS (125%), VIC (120%), CTG (106%).
VIC ghi nhận doanh thu một lần vào doanh thu từ hoạt động tài chính. Kết quả kinh doanh tốt của CTG chủ yếu do chi phí trích lập dự phòng giảm. Đáng chú ý, VJC công bố lợi nhuận ròng dương 190,1 tỷ đồng trong quý 2/2022 (-0,3 tỷ đồng trong quý 2/2021).
Mặt khác, các mã cổ phiếu có kết quả kém khả quan nhất là VHM (-95%), HPG (-59%) và POW (-51%). Lợi nhuận ròng trong quý 2/2022 của VHM giảm mạnh 95,2% do tỷ lệ bàn giao thấp (-91,3% giá trị bàn giao) và mức nền cao từ việc bán hàng loạt dự án tại Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Grand Park trong quý 2/2021. Giá thép giảm và giá nguyên liệu đầu vào tăng đã đè nặng lên lợi nhuận của HPG.
Trong nhóm ngân hàng, chỉ có VPB và STB ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm lần lượt là - 12,7%/-27,8%. POW công bố mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm do mức nền cao của quý 2/2021.
Trong VN30, chỉ có PLX ghi nhận lỗ 196 tỷ đồng do công ty đã trích lập dự phòng đánh giá lại hàng tồn kho hơn 1.100 tỷ đồng.
BIÊN LỢI NHUẬN GỘP TOÀN THỊ TRƯỜNG TIẾP TỤC GIẢM
Biên lợi nhuận gộp thị trường trong quý 2/2022 là khoảng 16,2%, tiếp tục xu hướng giảm kể từ quý 3/2021. Điều này cho thấy các doanh nghiệp niêm yết đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của giá hàng hóa và chi phí logistics. Top các ngành hàng có biên lợi nhuận gộp giảm mạnh bao gồm: Dịch vụ hỗ trợ, Bất động sản, Hóa chất và Thép.
Đòn bẩy tài chính toàn thị trường giảm trong quý 2/2022 đi kèm với đà giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong quý 2/2022. Ngân hàng trung ương đã tạm thời giới hạn hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại kể từ quý 2 năm nay để đối phó với lạm phát.