Hải Phát Invest: Lợi nhuận giảm mạnh, dòng tiền kinh doanh âm, phải vay ngân hàng để trả lương
Đã có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản báo doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, dòng tiền kinh doanh âm, vay nợ tăng mạnh trong kỳ nhưng riêng Hải Phát Invest, dòng tiền thiếu hụt đến mức phải vay để trả lương, thưởng cho nhân viên.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý 2/2022 vừa công bố của Hải Phát Invest cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng nhẹ đạt 525 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng tương ứng đạt 279 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm song chi phí tài chính lại tăng đến 68% chủ yếu là tăng chi phí lãi vay, chi phí bán hàng cũng tăng theo dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh còn 21 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với quý 2/2021.
Thu nhập khác tăng nhưng chi phí khác tăng mạnh hơn, lại ghi nhận khoản lỗ dẫn đến sau khi trừ đi các khoản thuế phát sinh, HPX báo lãi sau thuế giảm mạnh từ 72 tỷ đồng năm ngoái chỉ còn 11,5 tỷ đồng trong quý 2 năm nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của Hải Phát Invest đạt 32 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số đạt được cùng kỳ năm ngoái là 114 tỷ đồng.
Tổng cộng tài sản của Hải Phát Invest tăng từ 9.578 tỷ đồng đầu năm lên 10.085 tỷ đồng cuối tháng 6/2022 tuy nhiên chất lượng tài sản lại có phần xấu đi. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 634 tỷ đồng chỉ còn 263 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng từ 3.789 tỷ đồng lên 4.079 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Hải Phát Invest chủ yếu gồm bất động sản để bán đang xây dựng và bất động sản để bán đã hoàn thành. Tuy nhiên, hạng mục dở dang lại giảm từ 3.095 tỷ đồng đầu năm còn 2.922 tỷ đồng, trong khi đó tồn kho bất động sản để bán đã hoàn thành tăng mạnh từ 702 tỷ đồng lên 1.155 tỷ đồng.
Tăng hàng tồn kho dẫn đến dòng tiền kinh doanh của Hải Phát Invest âm 620 tỷ đồng.
Để có tiền trang trải kinh doanh sản xuất, Hải Phát Invest buộc phải tăng vay nợ. Nợ phải trả cuối kỳ là 6.539 tỷ đồng tăng so với con số đầu năm và gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ, vay nợ tài chính tăng từ 4.691 tỷ đồng lên 5.311 tỷ đồng, và chiếm gần 53% vốn chủ sở hữu. Tức là nguồn vốn hoạt động của Hải Phát Invest chủ yếu dựa vào vốn đi vay tài chính ngân hàng.
Chi tiết về các khoản vay tài chính của Hải Phát Invest cho thấy, trong khi Hải Phát Invest phát sinh nhiều khoản vay ngắn hạn ngân hàng để trả lương.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đô Thành, Hải Phát Invest vay hạn mức 20 tỷ đồng, hợp đồng ngày 8/3/2022, thời hạn vay không quá 6 tháng, lãi suất tại thời điểm giải ngân là 6,5% nhằm mục đích thanh toán lương, thưởng. Khoản vay tại MB với hạn mức cấp tín dụng 9 tỷ, lãi suất 7,15%, thời hạn vay không quá 6 tháng từ ngày 20/8/2021 để trả lương.
Đặc biệt lưu ý là Hải Phát Invest phát sinh khoản vay với các cá nhân không nêu rõ tên là 121 tỷ đồng với lãi suất lên đến 15%/năm. Với khoản vay này, công ty phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân vay vốn. Đây là mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng và trái phiếu. Hầu hết các khoản phát hành trái phiếu của Hải Phát Invest đều có mức lãi suất trung bình 11%/năm.
Mặc dù đi vay với lãi suất cao ngất ngưởng song Hải Phát Land lại mang tiền đi cho các bên liên quan. Cụ thể, cho Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô - công ty liên quan của Thành viên HĐQT vay 2 tỷ đồng; cho ông Lê Thanh Hải, thành viên quản lý chủ chốt vay 30,5 tỷ đồng. Lãi suất không được công bố chi tiết.
Đối với các khoản đầu tư vào công ty liên kết của Hải Phát Invest ghi nhận sụt giảm rõ rệt tại Hải Phát Land. Cụ thể, thuyết minh báo cáo tài chính ghi nhận, Hải Phát Invest đang đầu tư vào Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) với giá gốc tại ngày 1/1/2022 là 419 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ nắm giữ 48,8%. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6/2022, khoản đầu tư này chỉ còn 354 tỷ đồng.