10:27 26/07/2022

Lạm phát bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản, dòng tiền cạn kiệt phải tăng vay nợ

An Nhiên

Giá vốn tăng cao cùng với việc thắt chặt tín dụng trái phiếu khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất động sản bị bào mòn trong quý 2/2022...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

6 tháng đầu năm 2022, CPI của Việt Nam chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá sắt thép, xi măng tăng cao; giá ngô, đậu, cám gạo tăng 30 - 40%. Nếu tính riêng biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất, quý 2 năm 2022 tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất thập kỷ của giá nguyên, vật liệu gây áp lực tăng lạm phát.

Việc giá cả hàng hóa chi phí đầu vào tăng cao đặc biệt là giá sắt thép nguyên vật liệu đã bào mòn lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bất động sản.

CHI PHÍ TĂNG CAO BÀO MÒN LỢI NHUẬN

Cụ thể, báo cáo tài chính ghi nhận tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (VHD) cho thấy, doanh thu quý 2 vừa qua ghi nhận tăng 13,7 tỷ đồng tương đương 21% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi phí quý 2 cũng tăng 21,2 tỷ đồng tương đương 37% so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm mạnh từ 8 tỷ đồng năm ngoái chỉ còn nửa tỷ đồng quý 2 năm nay.

Sau khi trừ đi khoản thuế phí phát sinh, VHD ghi nhận lợi nhuận sau thuế 396 triệu đồng giảm 7,6 tỷ đồng tương ứng giảm 95% so với năm 2022.

Lạm phát bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản, dòng tiền cạn kiệt phải tăng vay nợ  - Ảnh 1

Tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Idico (UIC), giá vốn hàng hóa tất cả các mặt hàng gồm cho thuê bất động sản, kinh doanh bất động sản tăng khiến cho lợi nhuận gộp giảm từ 21 tỷ đồng quý 2/2021 xuống còn 13 tỷ đồng trong năm nay. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý 2 giảm 41%, về còn 9 tỷ đồng.

Tuy vậy, trong quý này, UIC lại ghi nhận khoản mục lợi nhuận khác lên tới 9 tỷ đồng từ nguồn thu tiền bảo hiểm được bồi thường. Nhờ vậy, UIC có thể báo lãi sau thuế 14,4 tỷ đồng, vượt cùng kỳ 15%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, UIC ghi nhận doanh thu 1.300 tỷ đồng, giảm 2% so cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế đều giảm, đạt lần lượt 36,7 tỷ đồng và 29,1 tỷ đồng tương đương giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, UIC đặt mục tiêu doanh thu và lãi trước thuế lần lượt là 2.5 ngàn tỷ và 62 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã thực hiện 52% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lãi trước thuế sau nửa đầu năm 2022.

Ở bất động sản khu công nghiệp, chi phí bào mòn doanh thu cũng khiến Công ty CP Sonadezi Châu Đức (SZC) báo lãi quý 2 giảm mạnh. Theo đó, trong quý 2 vừa qua, doanh thu thuần của SZC đạt gần 263 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ. Doanh thu của Công ty vẫn tập trung ở hoạt động cho thuê đất và phí quản lý với 253 tỷ đồng. Mặt khác, sân golf Châu Đức đã bắt đầu đóng góp doanh thu khi ghi nhận gần 7 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Tuy nhiên, giá vốn trong kỳ lại gấp gần 2.3 lần quý 2 năm trước khiến lợi nhuận gộp của SZC chỉ còn hơn 92 tỷ đồng (giảm 38%). Nguyên nhân do phần giá vốn trích trước cho hoạt động cho thuê đất và phí quản lý tăng đột biến với mức tương ứng, từ 71 tỷ đồng lên 161 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty còn phát sinh 6 tỷ đồng giá vốn cho hoạt động sân golf.

Không chỉ giá vốn, chi phí tài chính của SZC cũng tăng cao, gấp 6 lần cùng kỳ, với hơn 10 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của SZC vẫn giảm 44% so cùng kỳ, còn hơn 61 tỷ đồng. Với kết quả của quý 2, lãi sau thuế nửa đầu năm của Công ty bị kéo lùi 28%, về mức gần 137 tỷ đồng.

DÒNG TIỀN KINH DOANH ÂM, TĂNG VAY NỢ

Không chỉ chi phí hàng hóa tăng cao khiến lợi nhuận giảm mạnh mà khó khăn ở nhóm bất động sản chính là việc thiếu hụt dòng tiền kinh doanh.

Tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản HudLand (HLD), trong quý 2 vừa qua, HLD ghi nhận doanh thu giảm gần hơn 3 lần từ 12 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 4 tỷ đồng năm nay. Lợi nhuận gộp lại tăng lên 4,8 tỷ đồng nhờ việc hoàn nhập giá vốn từ quý trước. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, lợi nhuận của HLD giảm còn 407 triệu đồng trong khi năm ngoái là 2,5 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, HLD báo lãi chưa tròn 1 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm ngoái lãi 10 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là dòng tiền kinh doanh của HLD đang âm nặng. Trong khi đầu năm vẫn dương 12,7 tỷ đồng thì đến cuối tháng 6, dòng tiền âm 40 tỷ đồng. Để có tiền duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, HLD tăng vay nợ trong kỳ. Trong kỳ, khoản tiền vay ngắn hạn và dài hạn nhận được là 8 tỷ đồng. Xét về nợ vay, tính đến cuối quý 2 vừa qua, tổng nợ vay tài chính của của HLD tăng từ 40 tỷ đồng lên 61 tỷ đồng chủ yếu là tăng vay nợ dài hạn.

Dòng tiền kinh doanh của HLD âm nặng. 
Dòng tiền kinh doanh của HLD âm nặng. 

Công ty CP Hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) cũng vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 cho kỳ 1/4-30/6/2022. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 3 năm nay ghi nhận 26 tỷ đồng giảm 21 tỷ đồng tương đương với mức giám 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân giảm do năm nay công ty không ghi nhận doanh thu tài chính tăng mạnh như năm ngoái nữa khoản lãi đầu tư liên doanh liên kết với Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng KCN Đồng Văn 3 tỉnh Hà Nam cũng giảm mạnh khiến lợi nhuận của IDV giảm theo.

Tương tự như HLD, dòng tiền kinh doanh của Hạ tầng Vĩnh Phúc âm nặng trong quý này lên tới 361 tỷ đồng trong khi năm ngoái vẫn còn dương 89 tỷ đồng. Để có tiền chi tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh, IDV tăng vay nợ tài chính với khoản vay dài hạn tăng thêm 6 tỷ đồng so với con số đầu năm.