Xuất khẩu mật ong của Việt Nam đang bị “triệt hạ”

Chu Khôi
Thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 95% khối lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam. Với mức thuế chống bán phá giá sơ bộ vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp lên mật ong Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế 412,49%, tức là tiền nộp thuế cao gấp hơn 4 lần giá bán, chẳng khác nào “triệt hạ” mật ong của Việt Nam...
Mật ong Việt Nam bị áp thuế cao tại Mỹ.
Mật ong Việt Nam bị áp thuế cao tại Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Trước đó, vào 21/4/2021, Hội các nhà Nuôi ong Mỹ nộp đơn đề nghị lên cơ quan yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với mật ong từ một số quốc gia xuất khẩu vào Mỹ và tháng 5/2021, DOC quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Argentina và Việt Nam.

PHÁN QUYẾT GÂY BẤT BÌNH

Theo lịch trình vụ kiện này, DOC ra phán quyết sơ bộ vào cuối tháng 11/2021, sau đó DOC sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 8/4/2022. Cuối cùng, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 23/5/2022, sau đó sẽ thực thi thuế chống bán phá giá.

Thời điểm này, Hội Nuôi ong Việt Nam và Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cùng toàn thể các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong ở nước ta đang rất bất bình trước phán quyết sơ bộ của DOC.

 
"Thật bất ngờ khi DOC công bố sơ bộ mức thuế chung dành cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%.  Mức thuế này cao hơn gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề xuất ban đầu. Trong khi đó, các nước khác cũng bị kiện bán phá giá trong đợt này là Brazil, Ấn Độ, Ukraine,  Argentina lại bị áp mức thuế thấp hơn so với mức thuế mà các nhà nuôi ong Mỹ đề xuất".
Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam

Nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề nghị mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong của Việt Nam lên tới 207%, cao hơn nhiều so với mức thuế đề xuất cho các nước xuất khẩu khác vào Mỹ như Brazil (114%), Ấn Độ (34 - 99%), Ukraine (11 - 95%) và Argentina (17 - 23%).

Thời gian qua, toàn ngành mật ong Việt Nam cùng các cơ quan chức năng đã nỗ lực chứng minh mật ong Việt Nam không bán phá giá tại thị trường Mỹ và kỳ vọng sẽ được áp thuế tương đương với mật ong của Ấn Độ.

Theo ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam, mỗi năm, ngành nuôi ong của Mỹ sản xuất chưa được 100.000 tấn nên phải nhập khẩu thêm hơn 200.000 tấn từ các nước như Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước xuất khẩu mật ong vào Mỹ. Việt Nam hiện có khoảng 35 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, với kim ngạch hàng năm khoảng 70 - 100 triệu USD. Hiện tổng sản lượng mật ong của cả nước đạt bình quân 57.000 tấn/năm, trong đó 90% tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, trong đó 95% lượng xuất khẩu là vào thị trường Mỹ.

Trong vụ kiện mật ong, Mỹ đã lấy giá mật ong Ấn Độ để làm căn cứ xem xét Việt Nam có bán phá giá hay không.

“Trên thực tế, giá mật ong Ấn Độ cao hơn Việt Nam khoảng 200 USD/tấn nên đã rất bất lợi. Tuy nhiên, mức thuế chung dành cho mật ong Việt Nam vừa công bố sơ bộ là 412,49%, cao gần gấp đôi so với mức thuế đề xuất ban đầu khiến chúng tôi rất thất vọng”, ông Vân ngao ngán nói.

NGUY CƠ MẤT THỊ TRƯỜNG

Ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho hay, để mật ong được xuất khẩu vào Mỹ thì phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của Hệ thống giám sát và cấp chứng nhận True Source Honey (chứng nhận nguồn gốc mật ong), tổ chức NSF International (cơ quan đánh giá, giám sát và chứng nhận từ những nhà nhập khẩu Hoa Kỳ) và những tiêu chuẩn chất lượng của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Mật ong Việt Nam đã phải rất nỗ lực xuất khẩu trong thời gian dài để chuẩn hóa chất lượng mật ong để đạt được các quy chuẩn vô cùng khắt khe của các nhà quản lý ở Mỹ. Thế nhưng, vượt qua được hàng rào kỹ thuật thì nay lại bị nước này đưa ra các rào cản cạnh tranh để “triệt hạ” mật ong Việt Nam.

 
Với mức thuế cao gần gấp đôi so với mật ong Trung Quốc từng phải chịu trong quá khứ, tương lai sẽ thấy cánh cửa xuất khẩu sẽ đóng lại gần như hoàn toàn đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam.

Theo ông Đinh Quyết Tâm, năm 2001, Mỹ cũng từng áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Trung Quốc, với mức thuế là 245%. Khi bị áp thuế mức này, các doanh nghiệp Trung Quốc phải bỏ luôn thị trường Mỹ dù thời điểm đó Trung Quốc là nước hàng đầu về xuất khẩu mật ong vào Mỹ.

Nếu phán quyết cuối cùng của các cơ quan chức trách của Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế theo công bố sơ bộ, thì với tiền thuế phải nộp cao gấp 4 lần giá bán mật ong, thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải chịu số tiền lỗ “khủng khiếp” cao gấp 4 lần doanh thu, sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.

Trong “cuộc chiến” bán phá giá “một mất một còn này”, giờ đây các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ phải theo đuổi đến cùng vụ kiện để tìm lại công bằng cho ngành nuôi ong Việt Nam. “Thế nhưng, khó khăn là ngành nuôi ong hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Các doanh nghiệp khó có đủ kinh phí để theo đuổi vụ kiện đến cùng”, ông Lê Thanh Vân lo lắng.

Tin mới

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi được biết đến là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới đã tạo ra tác động đáng kể đến thị trường xe điện (EV) thời gian qua. Xiaomi đã vượt qua mục tiêu bán hàng đầy tham vọng vào năm 2024 là 130.000 xe chỉ trong vòng 9 tháng. Mẫu xe điện đầu tiên của công ty, SU7, ra mắt vào tháng 3, là nền tảng cho thành công này dù vướng phải nhiều tranh cãi.
Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Theo Nghị định số 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thay thế cho Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với hiện tại.