Ba năm liên tiếp Trung Quốc giảm đầu tư vào đường sắt
Trung Quốc đang hoàn tất việc xây dựng những tuyến cuối cùng của mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới...
Đầu tư đường sắt quốc doanh của Trung Quốc giảm 5,1% trong năm 2022, đánh dấu năm giảm thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh nước này hoàn tất việc xây dựng những tuyến cuối cùng của mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.
Tờ Caixin dẫn một tuyên bố vào tuần trước của Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc (CSRG) cho biết đầu tư tài sản cố định của tập đoàn giảm còn 710,9 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 103,4 tỷ USD trong năm 2022, từ mức 802,9 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2019.
CSRG là doanh nghiệp quốc doanh vận hành mạng lưới đường sắt với chiều dài tổng cộng 155.000 km ở thời điểm cuối năm ngoái, trong đó có 42.000 km đường sắt cao tốc. Đến nay, khoảng 70% trong số 16 tuyến đường sắt cao tốc quy mô lớn dự kiến được xây dựng ở nước này đã hoàn tất. Trong số 16 tuyến này có 8 tuyến chạy theo hướng Đông-Tây và 8 tuyến chạy hướng Bắc-Nam. Phần lớn các tuyến còn lại đều đang trong quá trình xây dựng.
CSRG cho biết sẽ tiến hành nâng cấp mạng lưới trong vài năm tới đây bằng cách xây dựng thêm các tuyến khu vực để kết nối các thành phố nhỏ hơn vào hệ thống. Theo ước tính của giới phân tích, nhu cầu đầu tư cho đường sắt ở Trung Quốc trong tương lai sẽ thấp hơn so với mức đầu tư của 10 năm qua.
Đại dịch Covid-19 đã gây gián đoạn hoạt động đầu tư đường sắt ở Trung Quốc vì lượng hành khách đường sắt sụt giảm do các hạn chế đi lại. Trong 9 tháng đầu năm 2022, CSRG báo lỗ kỷ lục 94,7 tỷ Nhân dân tệ, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
11 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách đi đường sắt ở Trung Quốc giảm 35,7% so với cùng kỳ năm trước - theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê nước này.
Dịch vụ vận tải hàng hoá đường sắt duy trì tương đối ổn định. Tổng lượng hàng hoá vận chuyển đường sắt ở Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6,1% đạt được trong cùng kỳ 2021.
Năm nay, CSRG dự kiến đầu tư xây dựng khoảng 3.000 km đường sắt mới, giảm 26,8% so với năm 2022.
Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào đầu tư tài sản cố định dựa trên vay nợ - bao gồm xây dựng đường sắt, đường bộ, bất động sản và nhà máy - nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư này đã giảm tốc trong những năm gần đây do lo ngại về tỷ suất lợi nhuận thấp của các dự án hạ tầng và bất động sản, cũng như rủi ro nợ nần tăng cao.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, đầu tư tài sản cố định ở Trung Quốc tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 20,7% ghi nhận cùng kỳ cách đây 10 năm. Sự giảm tốc này diễn ra đồng thời với tình trạng suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc do ảnh hưởng của chính sách Zero Covid.
CRSG đặt mục tiêu doanh thu 118,5 tỷ USD trong năm nay, tăng 18% so với 2022. Tập đoàn dự kiến phục vụ 2,69 tỷ lượt hành khách trong năm 2023, từ mức 1,61 tỷ lượt của năm ngoái. Mục tiêu vận tải hàng hoá là 3,97 tỷ tấn, tăng 1,8%.
Bên cạnh việc phát triển mạnh đường sắt cao tốc trong nước, Trung Quốc còn xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc ở nước ngoài. Trong đó có tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Indonesia, nối giữa Jakarta và Bandung. Tuyến này được khởi công vào năm 2016 và dự kiến hoàn tất trong năm nay.
Một tuyến đường sắt cao tốc nối giữa Trung Quốc và Lào đã khai trương vào cuối năm 2021. Ở châu Âu, Trung Quốc tham gia xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc giữa Belgrade của Serbia với Budapest của Hungary.