16:59 09/01/2023

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc bất ngờ bùng nổ trở lại

Điệp Vũ

Sau năm 2022 đầy chông gai, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang chứng kiến một khởi đầu “như trong mơ” cho năm 2023...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty.

Theo hãng tin CNN, Nasdaq Golden Dragon China Index, một chỉ số đo giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, đã tăng 13% trong hai ngày giao dịch đầu tiên của năm 2023. Đây là sự khởi đầu năm mới tốt nhất từ trước đến nay của chỉ số này - theo dữ liệu từ Refinitiv có lịch sử từ 2003.

Phiên ngày thứ Tư tuần trước, cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của ba công ty thương mại điện tử Trung Quốc là Alibaba, JD.com và Pinduoduo chứng kiến giá trị vốn hoá thị trường tăng thêm tổng cộng 53 tỷ USD. Cả tuần trước, giá trị vốn hoá của các công ty này tăng gần 70 tỷ USD.

Mức tăng của các cổ phiếu Trung Quốc là mạnh hơn mức tăng chung của chứng khoán Mỹ trong tuần trước, khi S&P 500 và Dow Jones tăng khoảng 1,5% và Nasdaq tăng khoảng 1%. Xu thế tăng này diễn ra khi nhà đầu tư tin rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ giảm bớt sự cứng rắn đối với các công ty công nghệ trong năm nay và sẽ đưa ra các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ.

Cổ phiếu Alibaba niêm yết tại thị trường Hồng Kông cũng tăng bùng nổ. Cổ phiếu này đã tăng gần 22% từ đầu năm đến nay và tăng 80% kể từ mức thấp kỷ lục thiết lập vào cuối tháng 10 năm ngoái. Riêng trong phiên giao dịch ngày 9/1, cổ phiếu Alibaba niêm yết ở Hồng Kông tăng gần 8,7%.

Tâm trạng của nhà đầu tư về cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã thay đổi sau khi công ty công nghệ tài chính Ant Group của Jack Ma giành được một sự phê chuẩn quan trọng để tăng vốn cho bộ phận tài chính tiêu dùng. Ant Group là một công ty con của Alibaba, và cả hai doanh nghiệp này đều cho Jack Ma sáng lập.

Ngoài ra, Jack Ma cũng vừa có động thái từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group - một quyết định được cho là nhằm mở đường để công ty này khôi phục kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị đổ bể hồi cuối năm 2020.

“Việc Ant Group được phê chuẩn kế hoạch mở rộng mảng tài chính tiêu dùng đánh dấu một bước đi tích cực trong việc giải toả áp lực quy chế”, nhà phân tích Yeap Jun Rong của IG Group nhận định.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đã ở trong môi trường pháp lý siết chặt kể từ cuối năm 2020, khiến các nhà đầu tư không ngừng bán tháo cổ phiếu thuộc nhóm này. Năm 2021-2022, chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index giảm tương ứng 46% và 25%.

Mới đây, Uỷ ban Giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc đã phê chuẩn hồ sơ của Ant Group xin tăng vốn đăng ký của mảng tài chính tiêu dùng từ 1,2 tỷ USD lên 2,7 tỷ USD. Sau khi tăng vốn, Ant Group sẽ kiểm soát một nửa mảng tài chính tiêu dùng - bộ phận chủ lực của công ty, trong khi một thực thể thuộc quyền kiểm soát của chính quyền thành phố Hàng Châu sẽ nắm 10%. Hàng Châu là nơi Alibaba và Ant cùng đặt trụ sở từ ngày thành lập.

Sự phê chuẩn này là một bước đi lớn trong việc tái cơ cấu Ant Group theo yêu cầu của nhà chức trách - cuộc tái cơ cấu đã diễn ra trong hơn 2 năm qua. Đây cũng là một bước tiến lớn trong kế hoạch của Ant Group để trở thành một công ty đại chúng.

Tháng 11/2020, nhà chức trách bất ngờ đình chỉ kế hoạch IPO trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng dự kiến sẽ lớn nhất trong lịch sử. Một tháng sau, nhà chức trách yêu cầu Ant Group tái cơ cấu.

Việc cho phép Ant tăng vốn đã làm dấy lên hy vọng rằng cơ quan chức năng Trung Quốc đã đến lúc muốn cải thiện mối quan hệ với khu vực tư nhân, trong bối cảnh Bắc Kinh chuyển trọng tâm sang khôi phục tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Tại một cuộc họp chủ chốt vào tháng trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2023, sau khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sụt tốc mạnh trong 3 năm áp dụng chiến lược chống dịch hà khắc Zero Covid.

“Mềm mỏng hơn về cải cách quy chế và chú trọng hơn tới tăng trưởng kinh tế” là trọng tâm của Trung Quốc trong mấy tháng qua - ông Yeap nhấn mạnh.