Báo cáo Quốc hội kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay
Không nên cứ hết giờ là nghỉ mà nếu còn đại biểu đăng ký mà Quốc hội đồng ý thì sẽ thảo luận tiếp
Kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay sẽ được gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Chiều 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, dự kiến khai mạc ngày 23/10 và bế mạc 22/11.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến rút 2 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình Luật Hành chính công và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp để tiếp tục hoàn thiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, thì “tôi hiểu là Thường vụ bác rồi, nên phải là rút 3 dự án chứ không phải 2”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải (cơ quan thẩm tra dự án luật trên) xác nhận đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, do dự án còn nhiều ý kiến khác nhau, trong khi thời gian chỉ còn hơn 1 tháng, sợ rằng cơ quan soạn thảo chưa chỉnh lý được căn cơ, nên hai cơ quan này đã thống nhất để dự án này đến kỳ họp tháng 5 năm sau.
Nội dung gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu ngoài kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất còn có các sự cố liên quan đến tàu vỏ sắt, giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, về dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, căn cứ kết luận Hội nghị Trung ương 6 và sau khi xem xét tình hình chuẩn bị dự án tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Uỷ ban Tài chính - Ngân sách có công văn gửi Chính phủ, đề nghị nếu Chính phủ chỉ dành 55 nghìn tỷ (trong số 70 nghìn tỷ đã được Quốc hội bố trí) thì phải báo cáo xem 15 nghìn tỷ còn lại sẽ làm gì để Quốc hội điều chỉnh.
Nêu thực tế một số phiên họp của kỳ họp vẫn còn tình trạng vắng nhiều đại biểu Quốc hội, ảnh hưởng nhất định chất lượng của phiên họp và kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội, Tổng thư ký đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các vị trưởng đoàn quán triệt đến đại biểu Quốc hội trong đoàn nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để tham dự đầy đủ các phiên họp của Quốc hội.
Đề cập vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng ngoài những đại biểu vắng mặt vì lý do bất khả kháng, vẫn có những đại biểu không đi họp vì nghỉ cũng được, không nghỉ cũng được, nhưng vẫn nghỉ và không bị ai phê bình cả. Do đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc việc thông báo công khai trên bảng điện tử các đại biểu vắng họp để cử tri được biết. Như vậy, các đại biểu đi cũng được nghỉ chả sao sẽ chọn đi họp.
Bà Nga cũng đề nghị tăng thời gian thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng từ nửa buổi ở tổ lên một buổi và tăng thời gian thảo luận ở hội trường.
Điểm mới của kỳ họp là lần đầu tiên Quốc hội sẽ thảo luận về báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và báo cáo giải quyết khiếu nại tố cáo gắn với báo cáo khối tư pháp. Theo nhiều ý kiến thì phiên thảo luận này nên được truyền hình trực tiếp.
Vấn đề dân quan tâm thì Quốc hội thảo luận cho dân nghe - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch cũng đề nghị truyền hình trực tiếp phiên thảo luận về ngân sách để dân biết tiền thuế của dân được chi cho cái gì, quản lý thế nào.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng cần phát huy tranh luận trong các phiên họp nhưng đừng lợi dụng tranh luận chỉ để phát biểu.
Về ý kiến một số phiên thảo luận nếu còn đại biểu đăng ký thì nên kéo dài thời gian, Chủ tịch Quốc hội đồng tình không nên cứ hết giờ là nghỉ mà nếu còn đại biểu đăng ký mà Quốc hội đồng ý thì sẽ thảo luận tiếp.