09:21 23/06/2023

Báo chí góp tiếng nói của người dân và doanh nghiệp

Dũng Hiếu

Báo chí là diễn đàn của nhân dân đã được quy định trong Luật Báo chí. Vì thế, báo chí thành kênh thông tin quan trọng đưa ý kiến trao đổi của nhân dân, doanh nghiệp đến với Đảng, Nhà nước…và ngược lại. Báo chí có những đóng góp tích cực trong nhiều hoạt động của đại biểu Quốc hội…

Báo chí có những đóng góp tích cực trong nhiều hoạt động của đại biểu Quốc hội…
Báo chí có những đóng góp tích cực trong nhiều hoạt động của đại biểu Quốc hội…

Theo nhận xét của các đại biểu Quốc hội, báo chí là nguồn thông tin tin cậy về tình hình chính trị,  kinh tế - xã hội, giúp cho các đại biểu nắm rõ thêm những vấn đề đang xảy ra đối với người dân, doanh nghiệp. Nhờ vậy, họ thực hiện quyền chất vấn, kiểm tra, giám sát của Quốc hội tốt hơn. Ngược lại,  báo chí cũng giúp người dân biết mong muốn  của mình đang được Quốc hội thảo luận, bàn bạc giải quyết như thế nào.

TIẾP XÚC VỚI BÁO CHÍ NHIỀU, HIỆU QUẢ CAO

Nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định Báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, đối với đời sống xã hội và hoạt động của Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội nói riêng.

Đặc biệt, báo chí còn có có vai trò phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, đặc biệt là việc phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Báo chí góp tiếng nói của người dân và doanh nghiệp - Ảnh 1

Trao đổi với báo chí, các đại biểu Quốc hội đều nhận thấy những nội dung lớn được Quốc hội quyết định, thông qua đã được báo chí truyền thông đầy đủ, dễ hiểu tới các cử tri và nhân dân cả nước. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp các chính sách của Đảng, Nhà nước đi nhanh vào cuộc sống. Nhiều đại biểu đã ví von báo chí là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, từng nhìn nhận rằng trong hoạt động của Quốc hội, báo chí không chỉ là cầu nối để gắn kết giữa Quốc hội với cử tri, mà còn là môi trường để hoạt động của Quốc hội trở nên sống động; là cơ sở để cử tri và người dân giám sát hoạt động của những người đại diện cho mình.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình, đã khẳng định thông qua báo chí, hoạt động của Quốc hội ngày càng gần gũi với cử tri và nhân dân. Những ý kiến, kiến nghị của các vị đại biểu tại diễn đàn Quốc hội qua đội ngũ người làm báo sẽ nhanh chóng đến được cử tri và nhân dân. Qua đó, người dân biết được những hoạt động, sự đóng góp của đại biểu đối với người mình bầu và gửi trọn niềm tin.

Thực tế, báo chí còn giúp cho các cử tri và nhân dân hiểu rõ hơn về mỗi vị đại biểu Quốc hội, họ là ai, họ đã thực sự hoạt động tốt chưa và đã xứng đáng đại diện cho mình, thay mình nói lên tiếng nói của cử tri đối với diễn đàn cao nhất của Quốc hội hay chưa.

Các doanh nghiệp không những thu nhập thông tin qua báo chí để lên kế hoạch kinh doanh, tăng thêm thu nhập, mà họ còn sử dụng báo chí để cung cấp thông tin đến các đại biểu Quốc hội, đến các cơ quan quản lý nhà nước về các tác động của chính sách đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã lấy thông tin từ báo chí để đối chiếu so sánh với thực tế để đưa ra các ý kiến thảo luận trao đổi tại các diễn đàn của Quốc hội.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, báo chí lại càng cần cho doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội. Qua báo chí, đại biểu Quốc hội dễ dàng tiếp cận với doanh nghiệp và người dân hơn. Một điều rất dễ thấy trong thực tế là doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả thường tiếp xúc với báo chí nhiều hơn trong các hoạt động của mình, đại biểu nào năng tiếp xúc tìm hiểu qua báo chí sẽ có rất nhiều lợi thế và người dân, cử tri tin tưởng cao hơn.

BÁO CHÍ PHẢI LÀ ĐỊA CHỈ TIN CẬY

Không dễ để báo chí trở thành nơi cung cấp thông tin đáng tin cậy, hữu ích cho người dân, doanh nghiệp cũng như các đại biểu Quốc hội. Chúng ta thường nói, báo chí luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, đồng hành cùng Quốc hội trong các hoạt động của Quốc hội, cách đồng hành này phải thực chất chứ không phải nói suông.

Ví dụ, các doanh nghiệp lên tiếng đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về chính sách thuế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm thuế giá trị gia tăng, nhà báo cần hiểu điều đó để phân tích và  truyền tải các thông tin đó đến đại biểu Quốc hội. Hành trang đồng hành của nhà báo là tư duy, năng lực nắm bắt, phân tích các vấn đề của người dân, doanh nghiệp.

Ngay trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nhất trí  đưa ra 4 nhóm vấn đề để chất vấn, gồm: lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải. Đây là 4 nhóm vấn đề vừa “đúng” vừa “trúng” hiện nay và chính báo chí là kênh đã dự báo các vấn đề này qua các bài viết trong thời gian qua.

Việc tìm giải pháp thúc đẩy 4 lĩnh vực này không chỉ dành cho Quốc hội, Chính phủ, mà dành cho cả báo chí. Để có những bài viết mang tính chuyên sâu và có số liệu thuyết phục về các nhóm vấn đề trên là không dễ đối với các nhà báo. Tạp chí Kinh tế Việt Nam thời gian qua đã có nhiều bài viết phân tích sâu về cả 4 nhóm vấn đề nêu trên, đặc biệt là hai nhóm: lao động, thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã có những bài viết sâu về lao động, về an sinh xã hội, về thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững, cũng như đổi mới sáng tạo để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Tạp chí còn đưa ra các bài viết về tình hình kinh tế của cả nước, các chỉ số kinh tế bằng thể loại Interactive giúp bạn đọc tiếp nhận nội dung nhanh hơn.

 Nhà báo hiểu rõ thông tin trên báo chí sẽ tác động trực tiếp đến tới tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân, qua đó làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của nhân dân. Vì thế, thông tin cần phải trung thực, phản ánh đúng bản chất vấn đề thì mới có tính định hướng, tính giáo dục, tính xây dựng để  hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

Ngược lại, nếu thông tin bị bóp méo, xuyên tạc sẽ đưa đến những hậu quả xã hội khôn lường, có thể làm tổn hại uy tín cá nhân, cơ quan, tổ chức, thậm chí có thể làm phá sản các doanh nghiệp, khiến hàng ngàn lao động mất việc làm...

Chính điều đó mới đưa báo chí của chúng ta hoàn thành nhiệm vụ dẫn dắt định hướng dư luận trên các mạng xã hội và đó cũng là điều làm cho người dân, đại biểu Quốc hội tin cậy vào báo chí.

Sự tin cậy chỉ có khi từng nhà báo được nâng cao trình độ mọi mặt từ đạo đức đến chuyên môn, công nghệ và cả trình độ lý luận chính trị thể hiện qua tác phẩm báo chí. Đồng thời, từng cơ quan báo chí cũng phải tích cực chuyển đổi số để trở nên chuyên nghiệp hơn, tạo ra các ấn phẩm báo chí chất lượng hơn. 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Báo chí góp tiếng nói của người dân và doanh nghiệp - Ảnh 2