Ở mức độ cao hơn của nhu cầu cập nhật thời sự, giải trí, đòi hỏi phải là những thông tin đem lại giá trị đối với người tiếp nhận, ví dụ những thông tin có khả năng giúp người sử dụng ra quyết định đúng hoặc sinh lời. Do đó, dù ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào, nội dung của một tác phẩm báo chí vẫn là yếu tố đầu tiên và quyết định.
Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh giữa các tòa soạn, sự cạnh tranh với các kênh thông tin mạng xã hội khác, lẫn sự thay đổi chóng mặt của công nghệ khiến nhà báo phải nỗ lực sáng tạo tác phẩm báo chí ngày càng tốt hơn về chất lượng, đẹp hơn về hình thức thể hiện, với mục tiêu cuối cùng là thu hút chú ý của bạn đọc và gia tăng giá trị thông tin cho bạn đọc.
Điều này có thể thấy rất rõ trong suốt quá trình phát triển của các loại hình báo chí, thậm chí từ góc độ cơ bản nhất, chẳng hạn với báo in, như sắp chữ, chọn giấy in, dàn trang… tới những nỗ lực trình bày nội dung dưới dạng infographics, minh họa...
Hay như với báo điện tử, từ chỗ chỉ là những trang văn bản HTML tĩnh đơn giản và một vài hình ảnh thời kỳ sơ khai, dần được bổ sung các thành phần multimedia, gia tăng thành phần tương tác. Các dạng trình bày mới gần đây như emagazine, long-form… là biểu hiện rõ nhất của nỗ lực sáng tạo các giá trị bổ sung cho nội dung.
Thực tế khi mặt bằng chất lượng chuyên môn của các nhà báo – yếu tố quyết định nội dung - ngày càng được nâng cao và đạt đến mức độ không chênh lệch nhiều, hình thức thể hiện sẽ nổi lên như một yếu tố lợi thế cạnh tranh nhiều hơn. Khi chuyển tải cùng một chất lượng nội dung, cách nào hấp dẫn hơn, mới lạ hơn, thuận tiện hơn, phù hợp nhu cầu hơn sẽ góp phần gia tăng hiệu quả chung của một tác phẩm báo chí. Điều này không khác lắm với việc cùng một nguyên liệu để nấu một món ăn, sự trình bày, khả năng đáp ứng nhu cầu không chỉ vị giác mà cả tính thẩm mỹ nói chung sẽ làm gia tăng giá trị của món ăn.
Theo báo cáo “Xu hướng báo chí và công nghệ 2023” do Reuters Institute công bố đầu năm nay, 6 lĩnh vực bổ trợ hoạt động xuất bản báo chí điện tử được tập trung nhiều nhất là: (1) Sản xuất Podcast và âm thanh kỹ thuật số; (2) Tăng cường kết nối Newsletter; (3) Sản xuất thành phần video kỹ thuật số; (4) Đồ họa hóa dữ liệu;(5) Phát triển ứng dụng cho các nền tảng âm thanh như Alexa, Googe Assistant; (6) Ứng dụng thực tế ảo.
Đây là những xu hướng sáng tạo nội dung mới hình thành nhờ sự tiến bộ của công nghệ mà không tòa soạn nào có thể đứng ngoài cuộc, nếu không muốn mất đi bạn đọc trung thành.
Đặc biệt, trong thời kỳ bùng nổ các kênh truyền thông kỹ thuật số, vai trò của các thành phần bổ sung cho nội dung báo chí truyền thống gần như là một yếu tố không thể thiếu. Câu chuyện không chỉ là cạnh tranh, mà còn là sự tận dụng lợi thế về công nghệ, điều mà trước đây báo chí truyền thống không có. Ví dụ nổi bật về sự tích hợp giữa báo chí và công nghệ là xu hướng báo chí dữ liệu, khi khả năng kết nối với các nguồn số liệu và thuật toán xử lý được hỗ trợ.
Giai đoạn 2020-2021 đánh dấu sự bùng nổ của loại hình này khi hầu hết các tòa soạn lớn trên thế giới (và cả ở Việt Nam) xử lý nội dung liên quan đến đại dịch Covid-19 đều sử dụng tối đa sức mạnh của số liệu thống kê. Hàng trăm dòng chữ miêu tả tình hình dịch bệnh cũng không có giá trị bằng một biểu đồ, nhất là khi việc kết nối dữ liệu đem đếnkhả năng cập nhật tự động (số ca nhiễm) hoặc trực quan hóa bằng hình ảnh (ví dụ khu vực bị nhiễm bệnh).
Báo chí hiện đại đã bỏ xa thời kỳ chỉ yêu cầu nhà báo có một cây bút và tờ giấy. Những kỹ năng bổ trợ như quay phim, xử lý đồ họa… ngày càng quan trọng. Mặt khác, xu hướng báo chí chuyên sâu cũng đòi hỏi các kiến thức chuyên môn đối với nhà báo trong từng lĩnh vực cụ thể. Điều này càng cần thiết khi cuộc đua sáng tạo trong báo chí hiện đại diễn ra ngày càng căng thẳng. Nhà báo thậm chí còn phải biết cách sử dụng các phần mềm chuyên ngành hỗ trợ tổng hợp số liệu, làm sạch số liệu và phân tích mô hình từ các số liệu thô để cô đọng được thông tin có ý nghĩa.
Báo chí hiện đại do đó cũng đòi hỏi mô hình tòa soạn phải thay đổi để thích nghi. Những công việc mới được hình thành, như quản trị cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, kỹ thuật lập trình… xuất hiện ngày càng nhiều trong hoạt động báo chí mà không một nhà báo đơn lẻ nào có thể có đủ kiến thức để làm tất cả các công việc sản xuất nội dung một mình. Vì thế một phần không thể thiếu - thậm chí mang tính quyết định - trong cuộc chạy đua sáng tạo sản phẩm báo chí hiện đại là sự thay đổi từ hạ tầng tòa soạn, nhất là tư duy “dám” sáng tạo của người đứng đầu. Chỉ khi có một không gian hoạt động nghiệp vụ cho phép sáng tạo thì nhà báo mới có thể sáng tạo.
Một rào cản lớn đối với sự thay đổi nói trên trong các tòa soạn báo chí tại Việt Nam là chi phí để xây dựng hạ tầng, cũng như bổ sung nhân lực cho các yêu cầu mới. Yếu tố này tuy thuần túy là vật chất, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm xây dựng tòa soạn kiểu mới.
Điều gì khiến một tòa soạn phải thay đổi khi hôm nay hay ngày mai mô hình cũ vẫn hoạt động tốt, vẫn đem lại hiệu quả kinh tế?
Vì sao phải mạo hiểm đầu tư để thay đổi mô hình trong khi triển vọng lợi ích chưa được chứng minh là tương xứng? Thực tế những rào cản này cũng xuất hiện trong quá trình chuyển đổi, phát triển của các tòa soạn trên thế giới, nhưng họ đã vượt qua với tầm nhìn bao quát hơn. Bằng chứng rõ nhất là xu hướng dịch chuyển từ mô hình tòa soạn lấy doanh thu từ quảng cáo sang mô hình tòa soạn lấy doanh thu từ độc giả.
Các báo cáo khảo sát xu hướng đa dạng hóa doanh thu của tòa soạn từ năm 2015 đến năm 2023 đã cho thấy có sự thay đổi đáng kể giữa các nguồn định hướng thu nhập, từ chỗ doanh thu từ quảng cáo chiếm vị trí độc tôn trong quan điểm của các lãnh đạo tòa soạn thì đến năm 2023 đã rơi xuống vị trí thứ hai sau định hướng doanh thu từ độc giả. Đồng thời cũng nổi lên các quan điểm định hướng nguồn thu khác như hoạt động tổ chức sự kiện hay việc bán chéo nội dung và sáng tạo nội dung độc quyền.
Nói cách khác, nếu coi bạn đọc – hay rộng hơn là nội dung – là định hướng nguồn thu nhập của tòa soạn, thì yêu cầu sáng tạo là bước đi tất yếu.
Thêm nữa, sự thay đổi trong quan điểm của các tòa soạn có thể không rõ rệt ngay lập tức, nhưng sự chuyển đổi âm thầm đến lúc sẽ tạo thành trào lưu, mà những tòa soạn chậm chân bám mãi vào mô hình cũ sẽ trễ nhịp và mất lợi thế xuất phát. Nói đơn giản chỉ 5-7 năm trước, không ai nghĩ gần như toàn bộ các tòa soạn lớn ở các khu vực phát triển trên thế giới sẽ đóng cửa đối với bạn đọc vãng lai. Đến năm 2023 này, việc bạn đọc trả phí, đăng nhập để đọc báo đã trở thành chuyện hàng ngày giống như việc trả một chiếc vé gửi xe.
VnEconomy 21/06/2023 09:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam