08:07 14/03/2012

Báo chí với Quốc hội: Kinh nghiệm Đan Mạch, góc nhìn Việt Nam

Nguyên Vũ

Chính khách của Đan Mạch luôn sẵn sàng cung cấp chi tiết thông tin về hoạt động của mình cho báo chí

Một số ý kiến tại hội thảo cho rằng mối quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam còn khá nhiều hạn chế, bất cập - Ảnh: HG.
Một số ý kiến tại hội thảo cho rằng mối quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam còn khá nhiều hạn chế, bất cập - Ảnh: HG.
Trong khi chuyên gia đến từ Đan Mạch luôn nhấn mạnh sự chủ động của đại biểu Quốc hội trong mối quan hệ với báo chí thì đại biểu Việt Nam vẫn không giấu được sự e ngại.

Ngày đầu tiên của hội thảo về mối quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội đã ghi nhận khá nhiều chia sẻ trong lĩnh vực này của cả các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Đã từng trải qua cương vị quản lý ban thư ký chuyên trách về mối quan hệ với báo chí tại Quốc hội Đan Mạch, bà Lis Gronnegaard Ramussen nói rằng, ở đất nước này nếu nói tam quyền (Quốc hội, Chính phủ, tòa án) là chưa hẳn chính xác mà còn có một nhánh quyền lực nữa là các cơ quan báo chí.

Chính khách của Đan Mạch luôn sẵn sàng cung cấp chi tiết thông tin về hoạt động của mình cho báo chí. Và báo chí cần trung thực, công bằng.

Một trong những vấn đề được báo chí Đan Mạch quan tâm được vị chuyên gia Đan Mạch này cho biết là tiền thuế của người dân được chi tiêu như thế nào. Báo chí có quyền theo dõi, là cơ quan giám sát hoạt động của chúng tôi, bà nói.

Vị chuyên gia Đan Mạch khác, bà Eva Flyvholm, sau khi nghe một số vị đại biểu Quốc hội Việt Nam bày tỏ sự e ngại khi tiếp xúc với báo chí, chia sẻ rằng, ngay cả ở nghị viện Đan Mạch cũng có chuyện này.

“Duy trì mối quan hệ tốt giữa báo chí và Quốc hội là rất quan trọng, nhà báo có quyền đi lại tự do và có quyền vào phòng làm việc của chúng tôi. Đại biểu Quốc hội đều là chính khách làm việc chuyên nghiệp nên gần như có thể gặp báo chí bất kể thời gian nào”, bà Eva Flyvholm chia sẻ.

Để giữ được mối quan hệ tốt với báo chí, vị chuyên gia này cũng hơn một lần nhấn mạnh đến sự chủ động liên hệ với báo chí của đại biểu Quốc hội Đan Mạch.

“Đại biểu của Đan Mạch đều rất cởi mở, thẳng thắn với báo chí, chúng tôi khuyến khích minh bạch trong công bố tài sản và các vấn đề liên quan của đại biểu cho báo chí”, bà nói.

Từ thực tiễn đã nhiều lần dồn dập nhận được đề nghị của báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 13, đại biểu Lê Như Tiến nói rằng ông luôn nhớ lời một người thầy. Đó là "đừng bao giờ nói không với báo chí, vì báo chí cần là công chúng cần và dư luận cần, chỉ được hẹn chứ không được từ chối, cánh cửa phòng của nghị sỹ luôn luôn mở".

Được giới thiệu như một đại biểu rất thành công trong việc xây dựng hình ảnh trước công chúng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 12, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh mối quan hệ giữa báo chí với đại biểu là mối quan hệ hai chiều.

Cái khó, theo ông Thuyết là có khi một ngày có đến ba, bốn tờ báo cùng hẹn phỏng vấn, câu hỏi giống nhau nhưng trả lời phải khác nhau. "Tôi được anh em báo chí thương, đặt câu hỏi rất hay, hỏi hay mới trả lời hay", ông chia sẻ.

Đều khẳng định báo chí là kênh thông tin quan trọng của Quốc hội, song một số ý kiến tại hội thảo cho rằng mối quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam còn khá nhiều hạn chế, bất cập.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, đại biểu Phùng Văn Hùng đề cập sự thiếu cân đối, khi hoạt động báo chí mới tập trung chủ yếu ở các kỳ họp Quốc hội. Còn hoạt động giữa hai kỳ họp, đặc biệt là hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội chưa được quan tâm, chú ý đúng mức.

Ông Hùng cũng cho rằng, cần xây dựng chính sách thông tin công chúng của Quốc hội, bởi đây chính là cơ chế và phương thức cung cấp thông tin cho người dân cũng như tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân.