06:49 24/03/2023

“Bắt bệnh, bốc thuốc” để định vị lại doanh nghiệp

Vũ Khuê

Để tái định vị doanh nghiệp, cần phải dự báo, phân tích tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước cũng như sức khoẻ thực tế của doanh nghiệp…

Các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn do đơn hàng giảm.
Các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn do đơn hàng giảm.

Tại diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 23/3, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: "Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ khác đi, định vị lại doanh nghiệp của mình. Định vị bắt đầu từ tầm nhìn, mục tiêu phát triển, vị thế của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp"...

SỰ TỒN TẠI CỦA DOANH NGHIỆP ĐANG LÀ THÁCH THỨC

Theo Chủ tịch VCCI, thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua những thay đổi ghê gớm trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu. Xung đột vũ trang từ cuộc chiến Nga - Ukraine tác động rất nhiều đến các hoạt động kinh tế.

Ở trong nước, tình trạng doanh nghiệp rút khỏi thị trường hiện nay là rất đáng báo động. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 51.400 doanh nghiệp "biến mất" trong 2 tháng đầu năm 2023, tính ra trung bình mỗi tháng có hơn 25.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trong khi đó, năm 2022, trung bình mỗi tháng có khoảng 12.000 rút khỏi thị trường.

Điều này cho thấy sự tồn tại của doanh nghiệp đang là thách thức rất lớn đối với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và đương nhiên với cả cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn.

Đặc biệt gần đây, những biến động trên thị trường tài chính ngân hàng thế giới, những “thành trì” tưởng như rất kiên cường, những yếu tố mà doanh nghiệp có thể dựa vào ổn định, vững chắc như hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ (ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sĩ) cũng đã sụp đổ. Điều này khiến các nhà doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: Vậy chúng ta phải làm gì để tồn tại và phát triển?

Chủ tịch VCCI cho rằng bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Không những vậy, thêm một yếu tố nữa chúng ta cần quan tâm, đó là bối cảnh, mục tiêu phát triển của Việt Nam đã khác. Chúng ta đã có giai đoạn chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường và thành phần kinh tế tư nhân xuất hiện để phát triển, sau đó là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ tịch VCCI cho biết từ Đại hội XIII của Đảng, một giai đoạn mới bắt đầu, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao, vì thế yêu cầu đặt ra khác hẳn, vị thế trong giai đoạn mới cũng cao hơn nhiều.

“Trong vòng chưa đầy 25 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại. Khi ấy cộng đồng doanh nghiệp cũng phải văn minh hiện đại. Lúc này doanh nghiệp phát triển không phải chỉ để kiếm lợi nhuận mang về cho bản thân, mà cần phải phát triển bền vững, quan tâm đến các yếu tố xã hội, môi trường, quản trị doanh nghiệp, quan tâm đến đạo đức, văn hóa kinh doanh”, ông Công nhấn mạnh.

Mục tiêu đến 2025 chúng ta có 1,5 triệu doanh nghiệp thực sự quá thách thức. Hiện đã sắp hết quý 1/2023 nhưng đồ thị số lượng doanh nghiệp lại cứ đi xuống, chưa chạm đến con số 1 triệu, khi nào đồ thị dừng lại để đi lên.

"Chúng ta chỉ còn năm 2024, 2025 thì mỗi năm chúng ta cần bao nhiêu doanh nghiệp để đạt con số 1,5 triệu vào 2025? Đây là bài toán vô cùng khó cho các nhà quản lý, cho chính phủ và chính quyền các cấp", ông Công nêu thực tế.

Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ khác đi, định vị lại doanh nghiệp của mình. Định vị bắt đầu từ tầm nhìn, mục tiêu phát triển, vị thế của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp…

"Định vị doanh nghiệp không chỉ là bài toán cho chính doanh nghiệp mà cho cả các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý. Chúng ta cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, để những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong hơn 35 năm đổi mới tiếp tục được phát huy, trở thành quốc gia phát triển nhanh, xanh, bền vững”, ông Công nhấn mạnh.

VỖ TAY PHẢI CÓ HAI BÀN TAY

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cho rằng tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững trở thành vấn đề thời sự, cấp bách.

Nhắc lại quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tránh tăng trưởng trước dọn dẹp sau, không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, ông Long nhấn mạnh, tái định vị doanh nghiệp và phát triển bền vững doanh nghiệp không phải là vấn đề của riêng Nhà nước hay doanh nghiệp, mà phải có sự kết hợp, hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, giống như “vỗ tay phải có hai bàn tay”.

Tuy nhiên, để tái định vị doanh nghiệp, cần phải dự báo, phân tích tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của doanh nghiệp. Ông Long cho rằng đến nay vẫn chưa có báo cáo đầy đủ, đánh giá cụ thể và tổng thể về những khó khăn, thách thức của tất cả các ngành, các lĩnh vực.

“Mà chúng ta cứ kêu khó, chủ yếu kêu nới room ra cho vay, cho miễn, giãn, hoãn thuế, kéo dài thời gian nợ… Trong khi chúng ta có luật tổ chức tín dụng, luật thuế… không phải muốn là làm được ngay”, ông Long nêu thực tế, đồng thời cho rằng để “bốc thuốc” cần biết được bệnh thế nào thì mới chữa được. Cứ kêu ốm yếu lắm, nhưng ốm yếu do gì, ốm yếu chỗ nào… vẫn chưa rõ ràng.

Theo ông Long, để phát triển, Chính phủ đề ra 3 động lực chính: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, đầu tư để đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập, đây là những yếu tố để phát triển bền vững.

Có một số ý kiến cho rằng trong giai đoạn khó khăn không nên đề cập đến việc đầu tư chuyển đổi số, kinh tế xanh. Tuy nhiên, ông Long cho rằng nếu chúng ta không nhìn trước, hành động sớm thì khi kinh tế thế giới phục hồi, doanh nghiệp không có hành trang để hội nhập và phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp phải đi trước, phải làm trước.

Ông Long nhấn mạnh, “cứu” doanh nghiệp không ai bằng chính doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp là người hiểu mình nhất. Chính phủ là người tạo ra cơ chế cho doanh nghiệp phát triển. Một trong những cầu nối quan trọng là VCCI - tổng hợp tất cả các ý kiến, phân tích, đánh giá và trình Chính phủ để Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.