Bất ngờ với nguyên nhân lạm phát cao tại Thụy Điển
Một số chuyên gia cho rằng nữ ca sĩ Beyoncé là nguyên nhân gây ra lạm phát cao dai dẳng ở Thụy Điển…
Theo ông Michael Grahn, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Danske của Đan Mạch, nữ ca sĩ Beyoncé là nguyên nhân gây ra lạm phát cao dai dẳng ở Thụy Điển…
Nữ ca sĩ Beyoncé giành được số lượng kỷ lục giải thưởng Grammy, trở thành một trong những nghệ sĩ âm nhạc bán chạy nhất thế giới. Cô đang thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới và phá kỷ lục về lượng vé bán ra.
Nhưng ca sĩ Beyoncé, vốn được nhiều người hâm mộ gắn mác “Nữ hoàng Bey”, hiện được cho là có “thành tích” khó ai đạt được. Theo một chuyên gia kinh tế, cô có một phần lỗi trong việc gây ra lạm phát cao dai dẳng ở Thụy Điển.
CA SĨ BEYONCÉ BỊ CHO LÀ NGUYÊN NHÂN CHÍNH
Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới mang tên “Renaissance” của ngôi sao này bắt đầu tại National Arena ở Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 10 và 11/5, đã thu hút lượng lớn người hâm mộ từ Mỹ và các nơi khác trên thế giới đến xem, một phần vì giá vé rẻ hơn và một phần vì quá phấn khích.
Theo Michael Grahn, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Danske của Đan Mạch, giá khách sạn và các chi phí khác mà người hâm mộ ca sĩ Beyoncé phải trả là một phần lý do tại sao con số lạm phát của Thụy Điển chỉ giảm 0,2 điểm phần trăm, một mức giảm thấp hơn dự kiến trong tháng 5.
“Có lẽ tất cả những điều đó không chỉ do cô ấy mà còn có các sự kiện khác đang diễn ra, nhưng khi bạn nghĩ về nguyên nhân, cô ấy là nguyên nhân chính”, ông nói với NBC News.
“Không phải ngẫu nhiên mà cách đây một tháng chúng tôi đã nghe nói rằng người hâm mộ của cô ấy rất khó kiếm được chỗ lưu trú và giá phòng khách sạn tăng cao. Nó có vẻ là một giả định hợp lý”.
Thống kê chính thức cho thấy, tỷ lệ lạm phát lõi hàng năm của Thụy Điển giảm 0,2 điểm phần trăm trong tháng 5 so với tháng 4, từ mức 8,4% xuống 8,2%. Đây là mức giảm ít hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế, một phần do giá cả tăng cao hơn ở nhóm dịch vụ khách sạn và nhà hàng trong tháng 5. Trước khi số liệu được công bố, các nhà kinh tế đã dự báo lạm phát sẽ giảm về 7,8% trong tháng 5.
Ông Grahn giải thích rằng, một trong những lý do khiến tỷ lệ lạm phát không đạt được mục tiêu là lượng người hâm mộ Beyoncé từ nước ngoài đổ xô đến Thụy Điển, đất nước chỉ có 10,4 triệu người - tương đương dân số bang Bắc Carolina của Mỹ.
Do người hâm mộ Mỹ phải đối mặt với giá vé lên tới 900 USD nếu muốn xem tour lưu diễn của ca sĩ Beyoncé ở Mỹ, nên một số người tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn ở châu Âu.
Ông Grahn cho biết, các quốc gia khác có “rất nhiều chỗ lưu trú để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ”, nhưng ở Thụy Điển thì lại khác. “Do giá vé xem hòa nhạc và mọi thứ khác đều được cho là rẻ đối với người nước ngoài, nên có thể thúc đẩy nhiều người hâm mộ đến Thụy Điển, qua đó góp phần đẩy giá nhà hàng và khách sạn lên cao”, vị chuyên gia nói.
CÁC CHUYÊN GIA KHÁC LÝ GIẢI RA SAO?
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục về sức mạnh dịch chuyển thị trường của nữ ca sĩ này.
Ông James Pomeroy, một nhà kinh tế toàn cầu tại ngân hàng HSBC, cho biết mặc dù chi phí chỗ ở tăng 8,7% so với tháng trước trong tháng 5, phù hợp với lời giải thích là do chuyến lưu diễn của ca sĩ Beyoncé, nhưng chi phí thực phẩm, kỳ nghỉ trọn gói trên toàn quốc cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát.
“Vì vậy, mặc dù Beyoncé có thể đã gây ra cú sốc đối với dữ liệu của một tháng, nhưng cô ấy không phải là lý do khiến lạm phát ở Thụy Điển cao hơn nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương”, ông nói.
Theo Marcus Widén, nhà kinh tế tại ngân hàng SEB Group của quốc gia Bắc Âu này, chi tiêu cho giải trí và khách sạn cao trong tháng 5, nhưng không đủ để trở thành ngoại lệ trong lịch sử.
“Về khách sạn, tôi đã đi du lịch vào tháng 5 và thực tế nhận thấy giá có cao, và đây không phải chỉ ở Stockholm. Vì vậy, mặc dù chuyến lưu diễn của Beyoncé có thể là một cú hích lớn, nhưng tôi nghĩ đó là áp lực mạnh mẽ chung đối với lĩnh vực này vào tháng 5”, ông Widén nói.
Giống như nhiều nước châu Âu, Thụy Điển đã phải đối mặt với lạm phát tăng mạnh và chi phí hộ gia đình cao hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine làm gián đoạn mạng lưới phân phối và thị trường năng lượng bán buôn.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sử dụng đồng tiền chung Euro đã rơi vào suy thoái - điều này đã được cơ quan thống kê của khối mới đây xác nhận - với tổng sản phẩm quốc nội giảm 0,1% trong ba tháng cuối năm ngoái và ba tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, Thụy Điển đã bỏ phiếu không thông qua việc sử dụng đồng euro vào năm 2003, thay vào đó tiếp tục sử dụng đồng Krona. Bên cạnh đó, nước này đã vượt qua đại dịch Covid-19 tốt hơn một số nước láng giềng, một phần nhờ giữ cho các doanh nghiệp mở cửa.