Lạm phát ở châu Âu dai dẳng, ECB nâng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 15/6 tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 3,5% và phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng trong cuộc họp tháng 7 kèm theo cảnh báo rằng sẽ mất nhiều thời gian để khống chế lạm phát...
Theo tin từ Financial Times, động thái đưa lãi suất cơ bản của đồng Euro lên mức cao kể từ năm 2001 diễn ra đồng thời khi ECB tăng dự báo lạm phát và cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) trong 3 năm tới.
Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng các nhà hoạch định chính sách “vẫn còn chặng đường dài phải đi” và “rất có khả năng” họ sẽ có thêm một động thái thắt chặt nữa tại cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo vào ngày 27/7, trừ phi có “sự thay đổi lớn” trong các số liệu kinh tế.
ECB cho rằng tiền lương tăng có nguy cơ dẫn đến giá cả cao hơn, và lặp lại cảnh báo rằng họ dự kiến lạm phát sẽ “duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài”, thậm chí đến năm 2025 cũng chưa giảm về mục tiêu 2%.
Ông Martin Wolburg, một nhà kinh tế tại công ty bảo hiểm Generali của Italy, nhận định: “Bà Lagarde thực sự muốn gửi đi một thông điệp cứng rắn về chính sách tiền tệ”.
Ông Dirk Schumacher, cựu chuyên gia kinh tế của ECB hiện đang làm việc tại ngân hàng Pháp Natixis, cho rằng dự báo lạm phát cao hơn mà ECB đưa ra làm tăng khả năng ngân hàng trung ương này tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 9. “Lạm phát cơ bản cần phải giảm vào tháng 6 và tháng 7 để tránh điều đó”, ông Schmacher nói.
Sau quyết định lãi suất của ECB, đồng Euro tăng 0,9% so với USD, đạt mức 1,094 USD đổi 1 Euro, mức tỷ giá cao nhất của đồng tiền chung châu Âu trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây.
Động thái tăng lãi suất mới nhất của ECB trái ngược với quyết định tạm dừng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một ngày trước đó, mặc dù cả hai ngân hàng trung ương đều dự kiến sẽ có những đợt tăng lãi suất nữa. Trong tháng 6 này, các ngân hàng trung ương của Australia và Canada cũng đã nối lại chính sách thắt chặt sau một thời gian tạm dừng tăng lãi suất.
ECB, định chế có trụ sở ở Frankfurt, bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 7/2022 - bốn tháng sau khi Fed khởi động chu kỳ thắt chặt. Lạm phát khu vực đồng Euro trong tháng 5 là 6,1%, cao hơn so với ở Mỹ.
Bà Lagarde nhận định rằng sức mạnh “đáng kinh ngạc” của thị trường lao động là lý do chính ECB để nâng dự báo lạm phát lõi - không bao gồm giá năng lượng và lương thực vốn là những nhóm mặt hàng có giá cả dễ biến động hơn - lên 5,1% trong năm nay, 3% trong năm 2024 và 2,3% vào năm 2025. Bà nói thêm: “Mặc dù có một số dấu hiệu ‘dự kiến’ cho thấy áp lực giá cơ bản đang dịu đi, nhưng vẫn ‘không có bằng chứng rõ ràng’ về điều này”.
ECB cũng dự báo tăng trưởng tiền lương - sau khi tăng tốc lên 5,2% trong quý 1 năm nay - sẽ duy trì ít nhất gấp đôi mức bình quân lịch sử trong hầu hết thời gian của 2 năm tới, và sẽ chỉ giảm từ 5,3% trong năm nay xuống 3,9% vào năm 2025.
Chủ tịch ECB cũng nhấn mạnh rằng năng suất lao động ở ECB đang giảm, là một nhân tố nữa dẫn tới sự tăng giá. Dù ECB chưa nhận thấy một vòng xoáy giá lương, các nhà hoạch định chính sách muốn tránh tình trạng “ăn miếng trả miếng” khi người lao động đòi lương cao hơn khiến các công ty phải tăng giá để duy trì tỷ suất lợi nhuận.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp, nền kinh tế Eurozone vẫn còn yếu. Sản lượng kinh tế của khối giảm nhẹ trong hai quý vừa qua, mặc dù nền kinh tế đã chứng tỏ được sự vững vàng hơn so với lo ngại ban đầu sau khi bùng nổ chiến tranh Nga-Ukraine.
ECB giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone, cho rằng khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng 0,9% trong năm nay; 1,5% trong năm 2024 và 1,6% vào năm 2025.
“Tôi vẫn nghĩ là ECB quá lạc quan về tăng trưởng”, nhà kinh tế học Carsten Brzeski của ngân hàng Hà Lan ING nhận định. Ông Brzeski dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay và nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn yếu kém, gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu của khu vực Eurozone.
Nền kinh tế Eurozone cũng ít khả năng nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ từ các chính phủ. Bà Lagarde cho rằng các nước trong khu vực nên “thu hồi một cách nhanh chóng và đồng bộ” chương trình hỗ trợ tài khoá đã triển khai trong cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây để tránh đẩy lạm phát lên cao hơn và đòi hỏi một “phản ứng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn”.
Trong cuộc họp này, ECB xác nhận từ tháng 7 sẽ ngừng tái đầu tư số tiền thu về từ chương trình mua tài sản trị giá 3,2 nghìn tỷ Euro. Động thái này dự kiến sẽ giúp thu hẹp bảng cân đối kế toán của ECB một khoản 25 tỷ Euro mỗi tháng.