15:00 18/07/2023

Biến động thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và dịch vụ

Anh Phong

Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 6/2023 diễn ra khá sôi động khi bắt đầu bước vào mùa du lịch hè, do vậy doanh thu các ngành thương mại dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng so với tháng trước. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến động thị trường toàn cầu...

Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 6/2023 ước đạt gần 505,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với tháng 6 năm 2022. Theo đó, quý 2/2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 1.520,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với quý 2/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%). Nếu loại trừ yếu tố giá thì doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%).

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.377,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,8%; tăng 9,3% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 321,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,7%; tăng 18,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 14,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5%; tăng 65,9%; doanh thu dịch vụ khác đạt 303,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1%, tăng 14,4%.

DOANH THU NGÀNH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TĂNG

Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Chiếm 78,8% tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.377,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với 6 tháng năm 2022.

Cụ thể từng nhóm hàng như sau:

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 735,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng may mặc dự tính đạt 110,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 244,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục ước tính đạt 26,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm phương tiện đi lại ước đạt 116,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm xăng dầu các loại ước đạt 267,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống

Dự ước 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống ước đạt gần 321,7 nghìn tỷ đồng tăng 18,7% so với 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 40,4 nghìn tỷ đồng tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2022; dịch vụ ăn uống ước đạt gần 281,3 nghìn tỷ đồng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành

Hoạt động du lịch lữ hành tiếp tục tăng trưởng so với năm 2022, đồng thời tháng 6 là tháng giữa mùa du lịch hè nên doanh thu ngành tăng trưởng tốt so với tháng trước. Theo đó, tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt gần 14,4 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 65,9% doanh thu cùng kỳ năm 2022.

Biến động thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và dịch vụ - Ảnh 1

Về doanh thu dịch vụ khác

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 303,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo từng lĩnh vực dịch vụ: Dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 13,6%; Dịch vụ y tế tăng 18,9%; Dịch vụ vui chơi giải trí tăng 18,7%; Dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 10,3%; Dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 12,2%; Dịch vụ khác tăng 29,5%.

Doanh thu các ngành dịch vụ khác 6 tháng năm 2023 tăng hầu hết ở các ngành dịch vụ so với cùng kỳ năm trước.

KHÁCH QUỐC TẾ TĂNG, THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC VƯƠN LÊN VỊ TRÍ THỨ 2

Tổng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 là 5,6 triệu lượt. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng gấp 9,3 lần. Trong đó đường hàng không gấp 9,3 lần, đường bộ gấp 8,1 lần và đường biển gấp 443,9 lần.

Xét theo các thị trường chính, phần lớn các thị trường chính của Việt Nam đều tăng mạnh, đặc biệt có khách mang quốc tịch Hàn Quốc tăng 13,9 lần, khách mang quốc tịch Trung Quốc tăng 12,2 lần.

Xét theo quý, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý 1 đạt 2,7 triệu lượt khách, tăng 28,7 lần so với cùng kỳ năm trước; quý 2 ước đạt 2,9 triệu lượt khách, tăng 4,6 lần so với quý 2 năm 2022.

Biến động thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và dịch vụ - Ảnh 2

Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc vươn lên đứng thứ 2 trong quá trình đưa khách du lịch đến Việt Nam, cho thấy đây là tín hiệu tích cực ban đầu, tạo cơ sở cho khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng cuối năm.

XUẤT KHẨU GIẢM, NỀN KINH TẾ VẪN XUẤT SIÊU

6 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 163,7 tỷ USD, giảm 12,5% (23,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 120,4 tỷ USD, giảm 12,7% (17,5 tỷ USD); khu vực đầu tư trong nước đạt 43,3 tỷ USD, giảm 12,1% (6 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu phần lớn mặt hàng đạt tăng trưởng âm, trong đó một số mặt hàng gia công, lắp ráp giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022: Điện thoại các loại và linh kiện 18,6% (5,5 tỷ USD); Hàng dệt may 16,1% (3 tỷ USD); Gỗ và sản phẩm gỗ 28,8% (2,4 tỷ USD). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 164,6 tỷ USD, giảm 12,1% (22,6 tỷ USD).

Về cơ cấu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 18,3% (471,6 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2022; tỷ trọng chiếm 1,3% tổng kim ngạch, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 144,1 tỷ USD, giảm 13,3% (22,2 tỷ USD), chiếm 88%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với 2022; trong đó, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 18,6% (5,5 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 14,7% và giảm 1,1 điểm phần trăm về tỷ trọng so với cùng kỳ năm 2022.

Nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6% (761,1 triệu USD), tỷ trọng chiếm 8,2%, tăng 1,5 điểm % so với cùng kỳ 2022. Hàng thủy sản ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 27,4% (1,6 tỷ USD), tỷ trọng chiếm 2,5%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Dù xuất khẩu giảm nhưng ước tính tháng 6 năm 2023, Việt Nam đạt xuất siêu 1 tỷ USD, mức xuất siêu này đã đẩy thặng dư 6 tháng năm 2023 lên 10,7 tỷ USD; trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt xuất siêu 20,9 tỷ USD, khu vực trong nước vẫn nhập siêu 10,2 tỷ USD, xuất siêu thuộc về khu vực FDI...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2023 phát hành ngày 17-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Biến động thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và dịch vụ - Ảnh 3