Năm giải pháp gỡ khó sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 2023
ThS Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5% sẽ là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành...
Tham luận tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 11/7, ThS Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhận xét tính chung 6 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 3,72%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra.
TĂNG TRƯỞNG GDP 6,5% LÀ THÁCH THỨC LỚN
"Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5% sẽ là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành", ThS Trần Thành Long nhấn mạnh.
Ngành công nghiệp phục hồi chậm, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, xuất - nhập khẩu giảm, chịu tác động rõ nét hơn từ sự sụt giảm mạnh nhu cầu tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc. Dư nợ tín dụng tăng thấp cho thấy khó khăn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt bằng lãi suất cho vay thực tế với nhiều doanh nghiệp vẫn còn cao, nợ xấu có xu hướng tăng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn sau giai đoạn chống dịch Covid-19 nay lại phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.
"Những khó khăn, thách thức đặt ra yêu cầu cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành trong những tháng cuối năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; trong đó, tập trung vào năm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm".
Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tồn kho tăng, xuất khẩu 6 tháng giảm, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả. Tính chung 6 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,4%); tỷ lệ tồn kho toàn ngành bình quân 6 tháng là 83,1% (cùng kỳ năm 2022 là 78%). Xuất khẩu 06 tháng giảm 12,1%, trong đó xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 17,9% so với cùng kỳ; điện tử giảm 9,3%; dệt may giảm 15,3%; giày dép giảm 15,2%; thủy sản giảm 27,4%;...
Chi phí vốn vẫn ở mức cao, khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, dư nợ tín dụng đến ngày 20/6 chỉ tăng 3,58%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 . Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh
thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất kinh doanh đình trệ, không có lãi.
Những bất cập, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, vấn đề đăng kiểm, quy định phòng cháy chữa cháy,… vẫn cần thời gian để tháo gỡ, xử lý dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn tác động đến thu Ngân sách Nhà nước. Tổng thu Ngân sách Nhà nước 06 tháng ước giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước; thu nội địa giảm 4,7%, trong đó thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 21,6%, thu các loại phí, lệ phí giảm 11,7%, thu tiền sử dụng đất giảm 56,8%.
Bên cạnh đó, lạm phát hiện đang được kiểm soát tốt nhưng vẫn cần được tiếp tục lưu ý. Chỉ số lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 4,33%, cao hơn CPI bình quân chung. Chỉ số giá sản xuất dịch vụ tính chung 6 tháng tăng 5,42%, trong đó: dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 11,24%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,05%; giáo dục và đào tạo tăng 5,92%.
NĂM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG ĐIỂM ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU VÀO CUỐI NĂM
Theo ThS Trần Thành Long, những khó khăn, thách thức đặt ra yêu cầu cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành trong những tháng cuối năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; trong đó, tập trung vào năm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì, củng cố các thị trường truyền thống; khai thác hiệu quả, thực chất hơn nữa các FTA đã ký kết cũng như sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết các FTA mới nhằm phát triển các thị trường mới, tiềm năng.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để hỗ trợ dòng tiền, đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn. Khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các chính sách thuế để điều tiết, phát triển bền vững thị trường bất động sản.
Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với quá trình chuyển giao công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; triển khai thực hiện Chiến lược về kinh tế số, xã hội số; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp năng lượng Hydrogen, công nghiệp bán dẫn.
Thứ tư, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ rào cản, xây dựng thể chế cho phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; không ban hành quy định, thủ tục hành chính làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho doanh nghiệp, người dân. Rà soát, sửa đổi quy chuẩn 06, các quy định về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Cuối cùng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc. Sớm hoàn thiện các quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; có cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp các bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.