GRDP Hải Dương 6 tháng đầu năm đạt 49.900 tỷ đồng
Ổn định kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kết quả 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của Hải Dương ước đạt gần 49.900 tỷ đồng, tăng 7,23% so với cùng kỳ năm trước…
Số liệu trên được dẫn từ Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 do UBND tỉnh Hải Dương trình tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XVII vừa khai mạc sáng 12/7/2023.
Như vậy, về tốc độ phát triển kinh tế 6 tháng qua Hải Dương xếp thứ 15 của cả nước và thứ 7 các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.
CÔNG NGHIỆP MỚI ĐẠT 46,6% KẾ HOACH NĂM
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm 2023, về lĩnh vực sản xuất công nghiệp tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 158.826 tỷ đồng, bằng 46,6% kế hoạch năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9%, trong đó ngành khai khoáng giảm 48,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 18,3%.
"Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, mặc dù chưa đạt được mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra là trên 9%. Tuy nhiên, so với trung bình chung của cả nước, kết quả của Hải Dương trong thời gian qua rất đáng khích lệ".
Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển, tổng giá trị sản xuất ước đạt 13.129 tỷ đồng, bằng 61,3% kế hoạch năm, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, tăng ở một số ngành, lĩnh vực chủ yếu như: thương mại, ăn uống, vận tải, dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, cân đối cung cầu các nhóm hàng thiết yếu được bảo đảm, cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa phục vụ nhân dân. Tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 23.147 tỷ đồng, bằng 45,4% kế hoạch năm, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 45.118 tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm (tăng 15,4%).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 5,08% so với tháng 12 năm trước và bình quân 6 tháng tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.427 triệu USD, giảm 14,2%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.696 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước…
Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 7.447 tỷ đồng, bằng 99,0% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên đạt 5.082 tỷ đồng, giảm 1,9%; chi đầu tư phát triển 2.356 tỷ đồng, tăng 0,8%...
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 22.435 tỷ đồng, bằng 36,8% kế hoạch năm, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư của khu vực kinh tế trong nước 17.027 tỷ đồng, tương đương năm trước; khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài 5.408 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tăng cường, chuẩn bị tốt các nội dung để gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sáu tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư trong nước đạt 3.367 tỷ đồng, tăng gấp 13,8 lần so với cùng kỳ năm trước…
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LÝ GIẢI THẤU ĐÁO
Hiện nay nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức với nhiều yếu tố phức tạp, khó lường … đang đưa nền kinh tế toàn cầu đối diện với nguy cơ suy thoái. Điều này đang được biểu hiện khi tổng cầu đang rất yếu, chi phí sản xuất gia tăng kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại liên tục bị thu hẹp…
Trong bối cảnh đó Hải Dương vẫn đạt được kết quả như vậy, điều đó chứng tỏ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Hải Dương nhằm đạt các mục tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội mà Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đặt ra, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt khoảng 9,5%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tốt đó, Hải Dương cũng đã nhận ra nhiều điểm yếu kém cần phải khắc phục trong 6 tháng cuối năm. Nhất là các vấn đề liên quan đến các định hướng tạo đột phá phát triển của tỉnh dựa trên 4 trụ cột chính: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, hiện đại, thông minh; Nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.
Về thực tế cho thấy sản xuất công nghiệp, một số ngành chủ lực là điểm sáng trong quý I nhưng trong quý II tăng chậm hay một số chỉ tiêu còn thấp so với kế hoạch đề ra là rất đáng quan tẩm. Đặc biệt, vấn đề Hải Dương vẫn chưa thu hút được các dự án lớn và nhà đầu tư có tiềm năng tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh cũng rất cần lý giải một cách thấu đáo.
Ngoài ra, Hải Dương cũng cho biết những bất cập khi với cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình. Năng suất, sản lượng của một số loại cây trồng giảm, cơ giới hóa trong khâu trồng và thu hoạch còn hạn chế. Sản lượng sản xuất công nghiệp của một số doanh nghiệp còn ở mức thấp, chưa phát huy được hết công suất so với cùng kỳ.
Đồng thời, nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị chậm tiến độ. Ông Trần Đức Thắng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương cho biết, qua phân tích, đánh giá các nguyên nhân gây ra sự bất cập, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ đưa ra các giải pháp xử lý, hiệu quả.
Với 6 tháng cuối năm Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai thực hiện tốt các nội dung kết luận, chương trình của Trung ương. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu thu nội địa năm 2023 tăng 10% trở lên so với dự toán. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao tỷ lệ thu hút đầu tư của khu vực ngoài nhà nước.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số.
Kỳ họp này, các đại biểu xem xét đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhất là bàn về nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.
Cùng với đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020-2024; hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 và chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện một số dự án, điều chỉnh một số loại phí lệ phí, đặt tên đại lộ trên địa bàn TP.Hải Dương...
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh thông qua tờ trình của UBND tỉnh về Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.