Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm
Để tận dụng cơ hội từ lợi thế nằm trong tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm…
Đây là đề xuất được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) sáng ngày 19/12. Sự kiện do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu”.
VIỆT NAM NẰM TRONG TAM GIÁC VÀNG KHỞI NGHIỆP ĐÔNG NAM Á
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt gần 2 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ đầu tư thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á.
“Điều này cho thấy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế, và trong khu vực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong năm nay và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong 9 tháng đầu năm 2022 đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam giảm nhẹ so với năm kỷ lục 2021 nhưng vẫn duy trì ở mức trước Covid.
Tổng số vốn đầu tư đã giảm 17,9% với tổng giá trị là 494,208 triệu USD so với 602,25 triệu USD của năm 2021, đồng thời số thương vụ đầu tư trong khoảng thời gian này là 94 thương vụ, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù giảm về số vốn và số lượng các thương vụ, song theo Giám đốc NIC, số lượng các thương vụ đầu tư cho giai đoạn sau của các doanh nghiệp là không thay đổi. Giai đoạn này đã chứng kiến kỷ lục về số lượng thương vụ có quy mô từ 10 đến 50 triệu USD với tổng cộng 10 khoản đầu tư, gần bằng với cả năm 2021.
“Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã huy động vốn ở vòng Pre-A và Series A vào năm ngoái đã có sự tăng trưởng và bước tiếp vào giai đoạn tiếp theo của sự phát triển”, ông Huy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, số lượng thương vụ trong phạm vi từ 3 triệu đến 10 triệu USD hoặc trong phạm vi lớn hơn 50 triệu USD được báo cáo là vẫn giữ nguyên so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, các khoản đầu tư trong phạm vi từ 500 nghìn USD đến 3 triệu USD chiếm số lượng lớn nhất với 30 thương vụ trong tổng số các khoản đầu tư, mặc dù có sự suy giảm lên tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng thương vụ đầu tư vòng Pre-Seed (giá trị nhỏ hơn 500 nghìn đô) đã giảm 19%, còn 30 thương vụ so với 37 thương vụ của cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures, với những diễn biến gần đây của thị trường, Việt Nam đang chứng tỏ là trụ cột thứ ba của tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á.
“Sự cộng sinh của các thị trường Singapore, Indonesia, và Việt Nam sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng tiếp theo cho Đông Nam Á. Đây cũng là 3 trụ cột trong tam giác vàng khởi nghiệp. Sức mạnh của bộ ba này sẽ khiến Đông Nam Á trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu”, ông Vinnie nhấn mạnh.
VỐN TOÀN CẦU DỊCH CHUYỂN
Trong bối cảnh xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc, dòng vốn đầu tư có sự dịch chuyển mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia. Theo đó, các cơ hội đầu tư trở nên khó khăn hơn đối với cả các startups và các nhà đầu tư.
Theo phân tích của Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý 3/2022 là 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với năm trước và 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Tại Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thu hút 3,72 tỷ USD trong quý 32022, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý 2/2022.
Mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng. Trong đó, một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao nhất là khi các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế.
Để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung và vốn từ các quỹ đầu tư nói riêng, Việt Nam tiếp tục tập trung xây dựng xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Tại Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng đã đề ra định hướng rà soát, sửa đổi thể chế về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ.
Tuy nhiên, để thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm.
“Cùng với đó, Bộ sẽ đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022), vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 là 1,5 tỷ USD. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023 - 2025 dự kiến đạt 5 tỷ USD.