13:03 30/11/2022

Diễn đàn “Hợp tác đổi mới sáng tạo mở” tăng hiệu quả doanh nghiệp

Phạm Vinh

Trong khuôn khổ Techfest 2022, Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo mở lần 2” sẽ diễn ra ngày 2/12/2022 tại Bình Dương, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, tập đoàn, viện trường, truyền thông và startup…

Techfest là nơi quy tụ nguồn lực của hệ sinh thái nhằm hiện thực hóa khát vọng trở thành một bệ phóng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Techfest là nơi quy tụ nguồn lực của hệ sinh thái nhằm hiện thực hóa khát vọng trở thành một bệ phóng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

“Đổi mới sáng tạo mở” sẽ là lời giải tiếp theo cho các doanh nghiệp Việt Nam duy trì hiệu quả và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khuôn khổ Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2022, do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phối hợp với Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức “Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở lần 2” chiều ngày 2/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Dương.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), TECHFEST 2022 hướng tới thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở toàn diện (VOIP) với ba trụ cột chính: Nhà nước là khách hàng tiềm năng và đặt ra đề bài, sử dụng sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Các tập đoàn và doanh nghiệp tiếp tục đưa ra bài toán, tìm kiếm sáng kiến, khách hàng, đồng thời là người đồng hành, cố vấn nhà đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở toàn diện tập trung vào giải quyết các vấn đề xã hội như biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe, trẻ em, người già, phụ nữ, phát triển bền vững…

Do đó, thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong như trước đây thì đổi mới sáng tạo mở được hiểu là sự tham gia của nguồn lực bên ngoài, bao gồm các startup, viện trường, vào giải quyết bài toán cho chính doanh nghiệp, tổ chức. Mặt khác, viện trường cũng có thể đưa các sáng kiến và sáng chế được nghiên cứu để chuyển giao cho startup phát triển và các doanh nghiệp đầu tư.

Tính đến hết năm 2021, Việt Nam hiện có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 217 quỹ đầu tư và 138 trường đại học/cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành một hệ sinh thái tương đối hoàn thiện và năng động.

Theo các chuyên gia về khởi nghiệp, để hệ sinh thái này được gia tăng sức mạnh cần nâng cao tính “mở”, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mọi thứ trở nên toàn cầu, mọi nền tảng mở ra. Độ mở càng lớn thì khả năng tiếp cận được nhiều tri thức, công nghệ sẵn có ở trên thế giới, và tránh việc nghiên cứu lại, trùng lặp. Việc liên kết giữa tập đoàn, doanh nghiệp với startup, viện trường có thể cùng lúc giải quyết bài toán cho nhiều doanh nghiệp, qua đó, tiết kiệm được chi phí vận hành, nguồn nhân lực.

Ngoài ra, Diễn đàn còn có chia sẻ những khó khăn từ đại diện Viện trường như Đại học Fullbright trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đồng thời, đại diện doanh nghiệp như Trung Nguyên Legend, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Tập đoàn Qualcomm và Shinhan Future Lab thuộc Tập đoàn tài chính Shinhan sẽ chia sẻ câu chuyện “mở” trong các doanh nghiệp khi tận dụng nguồn lực từ bên ngoài để giúp đổi mới, cập nhật và phối hợp về công nghệ, giảm bớt chi phí R&D, giải quyết bài toán kinh doanh và tái cấu trúc của chính doanh nghiệp.

 
Sau 10 năm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm vừa qua nước ta cũng đã ghi nhận số lượng thương vụ đầu tư lớn nhất từ trước đến nay và chỉ đứng sau Singapore và Philippines về giá trị đầu tư startup trong khu vực. Bên cạnh các kỳ lân công nghệ như VNG, Vnpay và MoMo, hàng chục doanh nghiệp được định giá trên vài trăm triệu USD cũng đang sẵn sàng trở thành kỳ lân trong những năm tới ở nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy dấu ấn đổi mới sáng tạo của quốc gia ngày càng được củng cố, đặc biệt với sự xuất hiện của hơn 3.800 startup trên toàn quốc, đóng góp vào kết quả Việt Nam 5 năm liền nằm trong top 50 trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố.