13:16 18/11/2009

Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Cần công bằng với thủy điện”

Minh Thúy

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 18/11

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Cần nhìn nhận công bằng về thủy điện - Ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Cần nhìn nhận công bằng về thủy điện - Ảnh: TTXVN.
Cần có cách nhìn công bằng về thủy điện vì hầu hết đều nằm ở vùng sâu, vùng hiểm trở. Không phải doanh nghiệp nào cũng làm thủy điện chỉ vì mục đích lợi nhuận, nhiều người đã hy sinh vì dòng điện của đất nước, nhiều thủy điện đang rất có hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh điều này khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 18/11.

Đã ba kỳ liên tiếp đăng đàn, lại được ba vị bộ trưởng khác “chia lửa”, song theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Hoàng vẫn “nặng” về trình bày, trong khi trách nhiệm và giải pháp còn chưa được đề cập đầy đủ.

Xuất khẩu gạo kỳ nào cũng nóng

Là người đầu tiên nhấn nút, đại biểu Lê Thanh Liêm hỏi việc  tạm dừng xuất khẩu gạo năm ngoái, ngoài đảm bảo an ninh lương thực còn có nguyên nhân nào khác liên quan đến lợi ích cục bộ của doanh nghiệp hay không? “Công ty con” của Tổng công ty Lương thực miền Nam tại Singapore có gây ra cạnh tranh thiếu lành mạnh không?

Bộ trưởng Hoàng “thưa thật” là không có thông  tin chính thức về việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam do động cơ này hay động cơ kia ghìm giá để thu lợi cho bản thân hiệp hội hay là các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội.

Riêng việc Tổng công ty Lương thực miền Nam thành lập công ty ở Singapore, Bộ trưởng cho biết công ty này thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, song việc thành lập phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói rõ, đây là công ty thuộc sở hữu Nhà nước nên kết quả hoạt động là thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo để tạo điều kiện cho bà con nông dân có được giá tốt hơn và lãi của công ty này thuộc về sở hữu của Nhà nước.

“Vừa qua cũng có thông tin về một hợp đồng của công ty này bán cho nước ngoài với giá thấp hơn so với giá mà hiệp hội đưa ra, đồng chí Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam đã có giải trình trước công luận đúng là có bán thấp hơn nhưng mà trong phạm vi cho phép và đã được thường trực của Hiệp hội lương thực thống nhất, vì thế chúng tôi không kiểm tra", Bộ trưởng Phát nói.

Vẫn nằm trong nội dung chất vấn của đại biểu Liêm, rằng vì sao Bộ Công Thương lại đối xử ôn hòa, dễ dãi chấp nhận hành vi buôn bán vật tư nông nghiệp giả, kéo dài sự hoang mang của bà con nông dân khi sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, Bộ trưởng Hoàng “nhận trách nhiệm với Quốc hội” trong việc chậm trễ ban hành nghị định chống sản xuất kinh doanh phân bón giả.

Tuy nhiên, có nguyên nhân khách quan là phải ban hành quy chuẩn  về phân bón, mà việc này thuộc trách nhiệm nhiều bộ ngành. Bộ trưởng cũng hứa  sẽ làm trong thời gian sớm nhất để trình nghị định và “không có bất cứ lý do nào để nương nhẹ các hành vi này”.

"Nhưng chừng nào nghị định này mới xong để chấm dứt nỗi ám ảnh, sợ hãi của nông dân mỗi mùa vụ?", đại biểu Liêm "truy" tiếp. "Chậm nhất là quý 2 sang năm sẽ trình Chính phủ xem xét, thông qua, cố gắng cao nhất để có thể sớm hơn", Bộ trưởng đáp.

Quản lý sữa như quản lý thuốc

Giá xăng, giá sữa, giá sàn thu mua gạo cũng là vấn đề nóng trong một số chất vấn tiếp theo.

Theo Bộ trưởng Hoàng thì việc điều hành giá xăng dầu đã có sự thay đổi để cử tri có thể giám sát. Nếu giá thị trường thế giới tăng dưới 7 % thì doanh nghiệp được quyền quyết định việc tăng, nếu tăng từ 7% - 12% thì doanh nghiệp được quyền quyết định điều chỉnh giá tăng 7%, còn khoảng chênh từ 7% - 12% thì 60% là doanh nghiệp được quy định tăng giá, 40% còn lại được sử dụng từ quỹ bình ổn giá để đảm bảo cho giá tăng không quá lớn.

Còn giá sữa Việt Nam hiện đang ở mức cao nhưng không phải cao nhất.

Được Chủ tịch Quốc hội mời phát biểu về “giá xăng, giá sữa, giá sàn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình là giá xăng sẽ đi theo cơ chế thị trường được và sẽ để cử tri giám sát được, khi quá đột biến thì Nhà nước sẽ công bố các biện pháp bình ổn giá.

Giá sữa, theo Bộ trưởng thì qua hai đợt thanh tra liên ngành cho thấy giá bán lẻ trong nước tương đối hợp lý, có 1 số công ty không hợp lý thì đã quyết định xử phạt và thu hồi những chi phí mà tính vào giá không hợp lý về cho Nhà nước.

Cũng theo Bộ trưởng, sắp tới mặt hàng sữa thuộc diện bình ổn giá, các doanh nghiệp phải đăng ký giá với các cơ quan quản lý giá tại địa phương có địa bàn hoạt động và sẽ quản lý tương tự như quản lý thuốc.

Liên quan đến mua lúa theo giá sàn và đảm bảo mức lãi cho nông dân tối thiểu 30% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ninh cho biết đã xây dựng 5 phương án triển khai. Theo đó sẽ kiến nghị với Chính phủ  tiếp tục cho nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tiếp tục dự trữ và mua sắm vật tư máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất và hỗ trợ về giống mới cho bà con.

Đồng thời,  kiến nghị với Nhà nước có chính sách chính thức hỗ trợ lãi suất cho các tổng công ty của Nhà nước mua lúa tạm trữ trong thời vụ và hình thành quỹ quỹ hỗ trợ để đảm bảo mua lúa của nông dân theo mức giá sàn. Khi giá thị trường xuống thấp mà doanh nghiệp phải mua theo giá sàn, có thể phát sinh lỗ thì Nhà nước không bù lỗ mà lấy quỹ này ra để hỗ trợ.

Công trình thủy điện nào cũng đúng quy hoạch

Gần cuối phiên chất vấn, đại biểu Võ Minh Thức chất vấn về việc “các đơn vị tranh nhau làm thủy điện” với câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Bộ.

Theo trả lời của Bộ trưởng, tất cả các công trình thủy điện đều triển khai trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt, không có dự án nào không nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, trong 35 tỉnh thành phố có quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa, “báo cáo thật với Quốc hội chỉ kiểm tra được 1/3”,  Bộ trưởng nói. Qua kiểm tra thấy rằng việc thực hiện quy hoạch có 1 số diễn biến nằm ngoài tính toán cần điều chỉnh.

Bộ trưởng cũng cho biết hiện cả nước có trên 800 dự án thủy điện nhỏ và vừa, miền trung có 335 dư án. "Cần có cách nhìn công bằng về thủy điện vì hầu hết đều nằm ở vùng sâu, vùng hiểm trở. Không phải doanh nghiệp nào cũng làm thủy điện chỉ vì mục đích lợi nhuận, nhiều người đã hy sinh vì dòng điện của đất nước, nhiều thủy điện đang rất có hiệu quả", Bộ trưởng Hoàng tranh luận.

Được dành 5 phút để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến thủy điện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng quy hoạch về thủy điện đã được làm căn cơ và có cơ sở khoa học, nếu thực hiện đúng thì có hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên còn một số nhà máy có vi phạm, quy trình vận hành chưa đúng. Bộ đã kiến nghị với Chính phủ đề nghị xem xét lại quy hoạch. “Với một số doanh nghiệp năng lực yếu, quá trình lấy đất, giữ đất xây dựng nhà máy thủy điện nhiều năm nay không triển khai thực hiện được, gây ảnh hưởng chúng tôi đề nghị sẽ chuyển đổi hoặc thu hồi lại”, Bộ trưởng Nguyên cho biết.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn khi còn 17 vị đại biểu đăng ký song chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, bộ trưởng còn sa vào trình bày tình hình hơi nhiều. Nên "thời gian đối thoại còn bị hạn chế, chưa tập trung vào phân tích làm rõ nguyên nhân đạt được, nguyên nhân còn yếu kém, trách nhiệm ở đâu và sắp tới sẽ sửa như thế nào".