22:06 17/11/2009

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Quản lý báo chí “có tiến bộ”

Minh Thúy

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 17/11

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chất vấn trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chất vấn trực tiếp.
Chiều 17/11, tiếp sau Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Mặc dù được hai vị bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ”trợ giúp”, song dường như Bộ trưởng Hợp chưa làm cho Quốc hội yên tâm về một số vấn đề được đặt ra tại phiên chất vấn. Đó là ảnh hưởng của các trạm thu phát sóng điện thoại di động, quản lý Internet và phát triển hạ tầng viễn thông, xử lý sai phạm của báo chí...

Điều hành phiên chất vấn chiều nay, Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Phú Trọng cũng hơn một lần đề nghị Bộ trưởng tập trung vào vấn đề, không cần giải thích quá nhiều.

BTS "không ảnh hưởng đến sức khỏe"

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đức Hiền đề nghị Bộ trưởng cho biết các trạm thu phát sóng di động (BTS) có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không để nhân dân yên tâm.

Bộ trưởng trả lời, hiện cả nước có 42 nghìn trạm BTS, không nhiều so với các nước trên thế giới. Bộ đã chỉ đạo kiểm tra 25 ngàn trạm, có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn, đã chỉ đạo khắc phục hết. Năm 2010 kiểm tra toàn bộ, đã kiểm tra là đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng thì "nếu đảm bảo lắp đặt đúng thiết bị và những nơi bộ đã kiểm tra thì bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe"

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm chất vấn, theo quy định thì trước khi đi vào hoạt động các trạm BTS phải được kiểm định? Tốc độ các trạm phát triển rất nhanh nên  không theo kịp tình hình. "Xin hứa với Quốc hội là nếu những nơi chưa kiểm tra, nếu kiểm tra thì tỷ lệ sai cũng không quá 5%, 95% vẫn là đảm bảo chất lượng. Còn 5% khi chúng tôi kiểm tra sai là dừng hoạt động và chỉnh sửa sau đó kiểm tra lại mới cho hoạt động", Bộ trưởng nói.

Dẫn thông tin từ nhiều nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong đồng quan điểm về độ an toàn của các trạm BTS. Tuy nhiên nhân dân có tâm lý lo lắng, theo vị bộ trưởng này việc do tuyên truyền chưa tốt.

"Bộ trưởng nói BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe của dân, vậy tại sao việc tuyên truyền rất ít khiến cử tri gửi rất nhiều thư và rất lo lắng, Bộ phải thông tin khoa học và rộng rãi", đại biểu Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề.

”Tôi xin nhận trách nhiệm trước đại biểu Lân Dũng, toàn bộ công cụ trong tay mình mà để nhân dân thiếu thông tin là không thể chấp nhận được”, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông nói.

Quản lý Internet: Khó có lời giải rành mạch

Nêu phản ánh của cử tri về việc quản lý dịch vụ Internet quá lỏng lẻo, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chất vấn về trách nhiệm và giải pháp của Bộ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây là vấn đề lớn, Bộ rất quan tâm, đã tìm hiểu nhiều nước xem họ làm thế nào, song để có lời giải rành mạch là rất khó khăn.

Sau khi dành ít phút nói về đặc điểm cùng lợi và hại của Internet, Bộ trưởng nói về giải pháp gồm bổ sung đầy đủ luật lệ cho cấp dưới hành động, tăng cường biện pháp kỹ thuật, và tăng cường quản lý hành chính và nhấn mạnh giáo dục.

Bộ trưởng cũng cho biết, cả nước có khoảng 2 vạn đại lý Internet, đã kiểm tra khoảng 14%, phát hiện 767 đại lý có sai phạm...

Trả lời chất vấn của đại biểu Cao Thành Vân về quản lý thuê bao di động, Bộ trưởng cho biết hiện có 119 triệu thuê bao, trong đó có 113 triệu trả trước nhưng qua điều tra, chỉ có 70% đang hoạt động.

Theo Bộ trưởng, việc quản lý thuê bao di động phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu chứng minh thư điện tử. Nên Bộ trưởng "mong Chính phủ tạo điều kiện cho Bộ Công an làm chứng minh nhân dân điện tử".

Quản lý báo chí có tiến bộ hơn

Hai nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh và Phạm Phương Thảo đều chất vấn về trách nhiệm quản lý của Bộ về những sai phạm của báo chí.

Bộ trưởng cho biết năm 2008 đã xử lý 34 trường hợp thông tin sai sự thật, rút thẻ 15 cán bộ, phóng viên. Năm 2009 có chuyển động, đến tháng 10 chỉ có 6 trường hợp đưa tin sai, rút thẻ 4 phóng viên. "Công tác quản lý báo chí có tiến bộ hơn", Bộ trưởng khẳng định.

Tiến bộ hẳn, theo Bộ trưởng, là việc đưa tin về vụ án. Rút kinh nghiệm từ vụ PMU 18, Bộ chỉ đạo vụ án đang điều tra khởi tố là không đưa tin, không có chuyện báo chí kết luận trước.

Về trách nhiệm của Bộ, chỉ có 35 người mà quản lý 709 cơ quan báo chí, nếu mỗi ngày có 1 tờ đưa thông tin sai thì "bộ máy này chạy suốt ngày vẫn chưa xong", Bộ trưởng giãi bày. "Có thể đại biểu chưa thỏa mãn, nhưng những gì đã làm thì chúng tôi nghĩ là cần thiết, có bài học kinh nghiệm để chúng tôi làm tốt hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng nói.

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, theo tổng kết của chủ tọa, đã có 18/22 vị đại biểu đăng ký nêu chất vấn. Trong đó có 5 đại biểu trao đi, đổi lại.

Chủ tịch Quốc hội "khen" Bộ trưởng trả lời trôi chảy nhiều thông tin, nhưng trách nhiệm, giải pháp cụ thể thì chưa rõ lắm.

Theo nghị trình, sáng mai, 18/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.