21:48 17/11/2009

“Thống đốc cầu thị, nhưng còn lúng túng”

Hải Hà

Đại biểu Quốc hội "chấm điểm" phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu

Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn Thống đốc về hiệu quả sử dụng tiền kim loại.
Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn Thống đốc về hiệu quả sử dụng tiền kim loại.
Mở màn phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu sáng 17/1, đại biểu Lê Thị Nga đã mang theo một đồng tiền xu bị xỉn.

Đồng tiền này có liên quan đến vấn đề được vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt ra với Thống đốc là hiệu quả sử dụng tiền kim loại, cùng với chất vấn làm sao để ổn định giá trị đồng tiền.

Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn chưa làm đại biểu Nga “thật sự hài lòng”. Vì, trả lời chất vấn, quan trọng nhất, lớn nhất là nhận trách nhiệm và đưa giải pháp chứ không phải giải trình.

Theo bà Nga, việc ổn định tỷ giá đồng tiền, luật đã giao chức năng cho Ngân hàng Nhà nước. Khi trả lời, Thống đốc thừa nhận đồng tiền mất giá. Như vậy có nghĩa là khi mục tiêu đặt ra mà không đạt thì phải xem lại giải pháp cũng như việc tổ chức thực hiện. "Ổn định giá trị đồng tiền là nhiệm vụ của nhiều cơ quan, nhưng với tư cách tư lệnh lĩnh vực, tôi muốn Thống đốc làm rõ được giải pháp và vai trò tham mưu cho Chính phủ".

“Thống đốc trả lời rất nhã nhặn, cầu thị nhưng mới chỉ nói được một phần. Trách nhiệm cụ thể, giải pháp cụ thể chưa thấy đâu”, đại biểu Nga “chấm điểm”.

Về phát hành tiền xu cũng vậy, khi phát hành thì Ngân hàng Nhà nước đưa ra những lý do rất thuyết phục như để hội nhập quốc tế, tiện ích của tiền xu và đảm bảo hạ tầng để lưu thông tiền xu... "Nhưng khi phát hành thấy ngay hiệu quả còn kém. Vậy trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước ở đâu? Chứ không thể nói như Thống đốc là đồng tiền nào hỏng, xỉn màu thì phải bỏ đi. Thống đốc nói dân ít dùng là do tập quán. Nhưng  tập quán đó, nếu Nhà nước thấy không đúng thì phải có trách nhiệm giáo dục", bà Nga chia sẻ với báo chí.

Theo đại biểu Nga, quan trọng nhất là có giải pháp gì để không lãng phí tiền nhà nước, tức là sử dụng tiếp các tiền xu đang còn giá trị sử dụng.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng nhìn nhận, cả Quốc hội cũng phải có trách nhiệm trong chuyện này chứ đổ cho riêng Thống đốc hay Thủ tướng cũng chưa chuẩn lắm.

Hai lần nhấn nút để chất vấn và tranh luận với Thống đốc, đại biểu Nga cho rằng, chất vấn đương nhiên phải đi đến cùng vấn đề nhưng thời gian ra hội trường không nhiều, nếu vẫn cứ tiếp tục theo đuổi vấn đề của mình thì không có cơ hội cho đại biểu khác.

"Thống đốc cũng ít khi trả lời tại hội trường nên thái độ trả lời tuy nhã nhặn, cầu thị nhưng cũng có thể còn lúng túng", bà Nga nói.

Cũng hai lần đứng lên chất vấn và tranh luận, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn “chưa đồng tình với trả lời của Thống đốc”, vì trả lời chưa trúng vấn đề đại biểu này hỏi.

"Nhiều người cho rằng quyết định thắt chặt tiền tệ năm 2007 là quyết định sai lầm, từ nới lỏng sang quá chặt chẽ mà đáng lẽ phải có lộ trình. Tôi muốn Thống đốc đánh giá điều đó, sai hay đúng, trách nhiệm ra sao chứ tôi không hỏi đúng sai của hỗ trợ lãi suất...", đại biểu Sơn nói.
 
Kết thúc phần trả lời chất vấn của Thống đốc chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, nhiều đại biểu đã nêu những câu hỏi hết sức xác đáng, có sự chuẩn bị tốt, sâu sắc và gợi mở nhiều vấn đề. Với Thống đốc, phần trả lời ban đầu cũng hơi dài, “nhưng vì đây là lĩnh vực liên quan đến rất nhiều tình tiết số liệu và diễn biến phức tạp cho nên cũng để Thống đốc nói hết được ý của mình trong vòng gần 20 phút”, Chủ tịch nói.