17:52 28/04/2021

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Dành nguồn lực thích đáng để xây dựng và hoàn thiện thể chế”

Bộ Xây dựng tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật ngành Xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá và dành nguồn lực thích đáng để thực hiện...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: "Để quản lý tốt thị trường bất động sản, công tác quản lý đô thị và hạ tầng kỹ thuật cũng phải được chú trọng"
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: "Để quản lý tốt thị trường bất động sản, công tác quản lý đô thị và hạ tầng kỹ thuật cũng phải được chú trọng"

Tại Hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành quý 1; triển khai thực hiện công tác quý 2/2021 mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Bộ Xây dựng xác định rõ năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng, các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn ngành đã tập trung, nỗ lực cố gắng thực hiện các chương trình, kế hoạch của Bộ đã ban hành để triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện.

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN DẦN ỔN ĐỊNH TRỞ LẠI

Đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật ngành Xây dựng,  Bộ xây dựng đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua 7 nghị định, 02 quyết định, 01 chỉ thị. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tích cực trong việc đảm bảo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành Xây dựng cũng như tạo điều kiện, môi trường thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.

Hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành quý 1; triển khai thực hiện công tác quý 2/2021 của Bộ Xây dựng
Hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành quý 1; triển khai thực hiện công tác quý 2/2021 của Bộ Xây dựng

Đặc biệt, trong công tác nhà ở và thị trường bất động sản đã tập trung hoàn thiện và trình phê duyệt 02 nghị định liên quan đến Luật Nhà ở và liên quan đến nhà ở xã hội. Đến nay, đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định nghị định sửa đổi bổ sung nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư với nhiều nội dung đổi mới. Trong đó tập trung tháo gỡ 8 nhóm vấn đề còn vướng mắc hiện nay về nguyên tắc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về kiểm định chất lượng nhà chung cư; về xây dựng và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về lựa chọn chủ đầu tư; về phương án hỗ trợ, bồi thường tái định cư; về chính sách đất đai và các quy định chuyển tiếp khác.

Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc với khối lượng lớn công việc cũng đã hoàn thành tốt. Cụ thể, đã tổ chức thẩm định và trình 03 đề án quy hoạch/điều chỉnh quy hoạch lớn và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời số hóa được 833 đồ án quy hoạch và công khai trên Cổng thông tin quy hoạch quốc gia, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thông tin quy hoạch.

 

Về thị trường bất động sản, trong quý 1/2021 đã có những biến động cục bộ, nhưng đã dần ổn định trở lại nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tham mưu và chính quyền các địa phương.

Trước diễn biến của tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan và các địa phương không được chủ quan, phải chủ động theo dõi, bám sát, nắm chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường bất động sản và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và bền vững. Thông qua đó có giải pháp về cân đối nguồn cung, minh bạch thông tin quy hoạch; tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, thủ tục hành chính… Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản ở các địa phương.

Ngoài ra, các lĩnh vực công tác khác cũng đã được triển khai đồng bộ, bám sát chức năng nhiệm vụ, và cũng đạt kết quả theo chương trình, theo kế hoạch đặt ra.

TĂNG CƯỜNG PHÂN CẤP CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Bàn về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: ngay trong quý 2/2021, Bộ Xây dựng tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật ngành Xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá và dành nguồn lực thích đáng để thực hiện.

Bên cạnh việc thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các Chương trình Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ cũng như của Bộ Xây dựng, Bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng chủ động rà soát, đánh giá tác động thực tiễn của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Ngành để kịp thời đề suất điều chỉnh, sửa đổi, hoặc thay thế, bổ sung khi cần thiết.

 

Để quản lý tốt thị trường bất động sản, công tác quản lý đô thị và hạ tầng kỹ thuật cũng phải được chú trọng. Với lĩnh vực này, Bộ sẽ tập trung xây dựng có chất lượng và đúng tiến độ chiến lược phát triển đô thị mới, nghị định sửa đổi Nghị định về quản lý phát triển đô thị, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; Tập trung nghiên cứu Luật về đô thị; quan tâm hơn về kinh tế đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Riêng về lĩnh vực quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng mới Chiến lược nhà ở quốc gia; thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng. Hoàn chỉnh, bổ sung Nghị định sủa đổi Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trình Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện.

Bộ Xây dựng cũng sẽ chủ động, phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong quá trình xây dựng đề án đô thị hóa, phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2045. Tiếp tục triển khai đúng tiến độ và nội dung các chương trình, đề án lớn về phát triển đô thị: Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, Đề án phát triển đô thị Việt Nam thông minh, bền vững giai đoạn 2018-2030; Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về quản lý và phát triển đô thị; đảm bảo chất lượng đô thị...

Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, lãnh đạo Bộ yêu cầu tất cả cán bộ, công chức viên chức Bộ xây dựng thắt chặt kỷ cương, kỷ luật công tác, có quyết tâm cao, quyết liệt trong công việc, chủ động, sáng tạo trong tham mưu đề xuất, có tinh thần trách nhiệm cao, nâng cao đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ được phân công đúng tiến độ, có chất lượng.

Về các quan điểm, định hướng cơ bản liên quan đến cách thức, nguyên tắc làm việc cho cả nhiệm kỳ 2021-2025, lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, tổ chức hoạt động của Đảng; Tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả của các nhiệm kỳ trước, đồng thời tích cực, chủ động đổi mới, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để tăng cường công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông thoáng hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, đặc biệt tập trung cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; tăng cường phân cấp cho các địa phương.

 

"Phải hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phản biện, góp ý của người dân, doanh nghiệp và tổ chức, đi đôi với kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, triển khai thực hiện những vấn đề phù hợp, có cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn"

Bộ trường Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, 

“Thủ trưởng các đơn vị và các cán bộ, công chức cần tăng cường tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo. Nhưng đồng thời phải thận trọng, nắm vững nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật nhà nước; Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị một cách chủ động, có trách nhiệm cao. Phải chủ động theo dõi, nắm chặt tình hình mới phát sinh để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đi đối với phân cấp, phân quyền phù hợp. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát phải đảm bảo không chồng chéo, gây phiền hà, khó khăn đối với địa phương, đơn vị, người dân và doanh nghiệp; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo nâng lên về trình độ chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, nâng lên đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và có các giải pháp giám sát phù hợp trong quá trình thực hiện công vụ. Đảm bảo công tác phòng chống tiên cực, tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Các đơn vị phải tăng cường quản lý nội bộ, quản lý cán bộ”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.