19:37 07/11/2023

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định tăng năng suất lao động

Thu Hằng

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để nâng cao năng suất lao động, ngoài vấn đề quản lý nhà nước, cần quan tâm đến các yếu tố quan trọng khác, đó là công nghệ, đổi mới sáng tạo; vốn; đăc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao - đây là yếu tố nền tảng...

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn, chiều 7/11. Ảnh - Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn, chiều 7/11. Ảnh - Quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ nội dung này khi trả lời Đại biểu Quốc hội tại phiên chấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, chiều 7/11. 

Quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy tăng năng suất lao động, Đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nêu rõ, một trong những tồn tại, hạn chế trong báo cáo kinh tế - xã hội nhiều năm đã chỉ ra là chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động thấp, không đạt kế hoạch đề ra.

Theo Báo cáo của Chính phủ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp trong thời gian tới đối với vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh - Quochoi.vn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói, năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu mà 2-3 nhiệm kỳ qua đều không đạt và gặp nhiều khó khăn về vấn đề này.

Bộ trưởng Dung cho rằng, để nâng cao năng suất lao động, ngoài vấn đề quản lý nhà nước cần quan tâm đến 4 vấn đề quan trọng.

“Đó là công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động; vốn, nhiều vốn và vốn chất lượng cao rất quan trọng, điều này sẽ giúp các quốc gia xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến. Thứ ba là nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là yếu tố nền tảng, nhất là về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và ý thức tổ chức của người lao động. Kinh nghiệm cũng cho thấy, các quốc gia phát triển và năng suất lao động cao, thường tỉ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

Bộ trưởng cho biết, sau Kỳ họp trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có phân công rất rõ ràng. Đề án về nâng cao năng suất lao động giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ; Đề án nâng cao năng suất, đặc biệt đào tạo chất lượng cao thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Về hệ thống đào tạo trường nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giao cho Bộ và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Thừa nhận những hạn chế của Bộ trong vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay toàn bộ các trường nghề thì ở địa phương quản lý nhà nước trực tiếp và chủ quản. Còn 99 trường nghề do các Bộ, ngành quản lý trực tiếp.

Còn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. “Trách nhiệm quản lý nhà nước của chúng tôi trong vấn đề này là có”, Bộ trưởng Dung thừa nhận và cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào 5 giải pháp căn bản.

Trước hết là tuyên truyền, nâng cao nhận thức để tạo sự ủng hộ của xã hội, các phụ huynh, người học để sau này ra trường có thu nhập và được học liên thông nếu có nhu cầu.

Cùng với đó, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới; chuyển đổi cơ cấu lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường; kết nối doanh nghiệp và đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu trở thành một trường nghề.

“Đây là kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là các nước có trình độ cao như Đức, Australia…, họ coi doanh nghiệp là một trường nghề”, Bộ trưởng Dung nói.

Cũng gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay Nghị định số 81 năm 2021 chưa có quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với loại hình dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho đối tượng học sinh trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Do đó, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý để xác định mức thu học phí. Vì vậy, các trường nghề rất lúng túng, còn các địa phương cũng chưa biết áp dụng ra sao, học sinh học trường nghề ngoài công lập có được áp dụng không? Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. Ảnh - Quochoi.vn.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, theo tinh thần Nghị định 81, đối tượng các trường ngoài công lập và học sinh học nghề hoàn toàn được hưởng đầy đủ các chính sách miễn, giảm học phí như học sinh học nghề ở trong các cơ sở công lập. 

Bộ trưởng Dung cho biết, thực tế hiện nay một số địa phương đang có cách hiểu khác nhau vì các trường nghề đang theo tinh thần Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư cũng như Nghị quyết chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. 

Theo đó cho phép học sinh trung học cơ sở học song song, vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, ông nhấn mạnh, sau Kỳ họp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra vấn đề đại biểu đề cập. “Nếu còn có những vấn đề khúc mắc, Bộ sẽ hướng dẫn địa phương thực hiện”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.