12:07 19/06/2021

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Hành trình “thoát thai” với sứ mệnh trong nền kinh tế số

Đỗ Phong

"Báo chí cách mạng nhận một sứ mệnh mới, tạo nên sức mạnh tinh thần cho dân tộc", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh điều này và cho rằng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam lựa chọn kinh tế số là đúng hướng bởi Việt Nam muốn phát triển thì chắc chắn kinh tế số phải đi đầu...

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã tới thăm, chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam.Tham gia đoàn công tác còn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lưu Đình Phúc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao lẵng hoa chúc mừng Tạp chí Kinh tế Việt Nam Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao lẵng hoa chúc mừng Tạp chí Kinh tế Việt Nam Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác về mô hình tòa soạn hợp nhất và hành trình đổi mới của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết: Thời báo Kinh tế Việt Nam là tờ báo có tiếng trong làng báo và đến nay đã chuyển đổi thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Từ ngày 1/7/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ ra phiên bản mới với khuôn khổ và nội dung đúng như một tạp chí. Đặc biệt, Tạp chí tập trung vào phát triển kinh tế số, với mục tiêu mong muốn hình thành một trung tâm thông tin về lĩnh vực này.

PHÉP  THỬ TRƯỚC KHI ĐƯỢC TRAO TRỌNG TRÁCH LỚN 

Chứng kiến những bước thăng trầm, khó khăn trong thời gian qua của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ông cảm nhận được rất rõ một khí thế tươi mới của Tạp chí Kinh tế Việt Nam hôm nay, ngay từ khi bước chân vào khán phòng.

Một khí thế tươi mới của Tạp chí Kinh tế Việt Nam- VnEconomy  
Một khí thế tươi mới của Tạp chí Kinh tế Việt Nam- VnEconomy  

Với những khó khăn, thách thức mà Tạp chí đã phải đối mặt, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Có lúc tôi và các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghĩ Thời báo Kinh tế Việt Nam sẽ kết thúc vì quá khó khăn và không nghĩ có thể vượt qua được. Nhưng cuộc đời chắc phải đi qua những chặng đường như thế”. Bộ trưởng đã dùng hai từ “thoát thai” để ví về quá trình này của Tạp chí và cho rằng, những khó khăn vừa qua như một phép thử đối với tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam trước khi trao một sứ mệnh, trọng trách lớn.

Để hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thì không thể ngoài kinh tế số. Do đó, với những mục tiêu và hướng phát triển của Tạp chí Kinh tế Việt Nam đặt ra trở thành một Trung tâm (hub) về kinh tế số Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định "đó là một sự nghiệp vĩ đại".

Với những mục tiêu và hướng phát triển của Tạp chí Kinh tế Việt Nam đặt ra trở thành một Trung tâm (hub) về kinh tế số Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định đó là một sự nghiệp vĩ đại. Ảnhh: Việt Tuấn.
Với những mục tiêu và hướng phát triển của Tạp chí Kinh tế Việt Nam đặt ra trở thành một Trung tâm (hub) về kinh tế số Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định đó là một sự nghiệp vĩ đại. Ảnhh: Việt Tuấn.

“Điều quan trọng nhất đối với sự đổi mới là tìm ra được ngôi sao dẫn lối. Khi đã xác định ngôi sao đó là kinh tế số, từ đó dẫn lối, khích lệ, lan tỏa năng lượng để Việt Nam đi đầu về kinh tế số, chuyển đổi số, thì Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã góp một phần rất lớn cho sự phát triển của đất nước, là một cánh trong đôi cánh để Việt Nam bay lên. Đôi cánh để đất nước bay lên là khát vọng và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng nói.

Đề cập đến sứ mệnh mới của báo chí, Bộ trưởng cho biết, tại Đại hội Đảng 13, lần đầu tiên Đảng nhắc đến khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và thấy vai trò của sức mạnh tinh thần. "Một tổ chức hay một đất nước muốn bứt phá, vươn lên thì sức mạnh tinh thần là số một, và lớn hơn cả vật chất", Bộ trưởng nói.

Hiện nay, khoảng 70-80% thời gian đọc của người Việt Nam là đọc tin tức và mạng xã hội. Do đó, báo chí đóng vai trò chính trong việc tạo sự thay đổi, nhận thức mới. "Báo chí Cách mạng nhận một sứ mệnh mới, tạo nên sức mạnh tinh thần cho một dân tộc", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh điều này và cho rằng “Tạp chí Kinh tế Việt Nam chọn kinh tế số là đúng hướng và dẫn dắt. Việt Nam muốn phát triển thì chắc chắn kinh tế số phải đi đầu”.

XÁC ĐỊNH ĐÚNG, HÀNH ĐỘNG ĐÚNG, SẼ THÀNH CÔNG 

Trong quá trình “thoát thai” (được sinh ra dưới một hình thức mới từ một cái cũ, đã có sẵn), thay đổi lớn đều sẽ có người đi, người ở và đều vì cơ quan, tạp chí. Người ra đi cũng vì Tạp chí để những người ở lại đồng lòng hơn và những người ở lại vì tình yêu cơ quan. Những thử thách trước khi được trao trọng trách đã vượt qua, Tạp chí Kinh tế Việt Nam cần đoàn kết, tập hợp lực lượng để phát triển.

“Điều quan trọng nhất đối với sự đổi mới là tìm ra được ngôi sao dẫn lối. Khi đã xác định ngôi sao đó là kinh tế số, từ đó dẫn lối, khích lệ, lan tỏa năng lượng để Việt Nam đi đầu về kinh tế số, chuyển đổi số, thì Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã góp một phần rất lớn cho sự phát triển của đất nước", Bộ trưởng nhắn nhủ.
“Điều quan trọng nhất đối với sự đổi mới là tìm ra được ngôi sao dẫn lối. Khi đã xác định ngôi sao đó là kinh tế số, từ đó dẫn lối, khích lệ, lan tỏa năng lượng để Việt Nam đi đầu về kinh tế số, chuyển đổi số, thì Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã góp một phần rất lớn cho sự phát triển của đất nước", Bộ trưởng nhắn nhủ.

Với lịch sử Thời báo Kinh tế Việt Nam đã trải qua mấy chục năm, Bộ trưởng cho rằng, khi khó khăn, tái sinh thì tìm lại giá trị cốt lõi của mình.

Với lượng độc giả trung thành hàng tháng lên đến hàng triệu như hiện nay, Tạp chí Kinh tế Việt Nam được đánh giá là đang sở hữu một gia tài lớn. Bởi tài sản vô giá của một cơ quan báo chí là độc giả. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan báo chí vẫn chưa khai thác tập khách hàng này cũng như dữ liệu độc giả và làm báo theo kiểu cá thể hóa... Đây được coi là một biển xanh tiềm năng mà Tạp chí chưa khai thác đến.

Ngoài ra, một tài sản lớn khác của Tạp chí chính là tình yêu gắn bó của những người làm báo với tổ chức, cơ quan. Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, đây là thứ kết dính, tạo ra năng lượng để làm những việc lớn lao và đó là một tài sản.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trò chuyện thân mật cùng cán bộ phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trò chuyện thân mật cùng cán bộ phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo bày tỏ với sự kế thừa, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ làm báo trong Tạp chí hiện nay, ông cảm thấy yên tâm và khẳng định rằng “chắc chắn Tạp chí sẽ khó mà đi lệch định hướng”.

Nhấn mạnh lại quan điểm đất nước muốn bay lên phải bằng đôi cánh, theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, với những tờ báo khác chỉ làm được khát vọng tinh thần nhưng với Tạp chí Kinh tế Việt Nam xác định hướng đến kinh tế số, tức là hai hội tụ trong một. Thứ trưởng hy vọng và tin tưởng những lựa chọn của thế hệ trẻ, và thông qua sự chín chắn của các thế hệ làm báo gạo cội sẽ xác định đúng, hành động đúng và sẽ thành công.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại buổi làm việc.

Nhận xét về Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí đánh giá: cơ quan báo chí có cơ hội được tái sinh lại là do có những con người tâm huyết và sự thấu hiểu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tạp chí Kinh tế Việt Nam sau chuyển đổi vẫn hoạt động rất tốt, giữ được chất lượng tin bài như vốn có. Hiện nay, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đang có những tin bài tốt nhất trong tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi làm việc.

Với bề dày lịch sử và giá trị riêng, chắc chắn Tạp chí Kinh tế Việt Nam vẫn có tương lai phát triển tốt do tập thể người lao động được rèn luyện qua thử thách, có nghiệp vụ vững vàng, có tâm huyết với nghề báo, và một ban lãnh đạo kiện toàn, ông Lâm nhấn mạnh. Với những cơ quan báo chí đang còn khó khăn trong quá trình quy hoạch, tái cấu trúc nên nhìn vào những cơ quan báo chí đã quy hoạch và phát triển tốt trong đó có Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

CƠ HỘI ĐỂ MỞ RA MỘT TRANG MỚI XÁN LẠN 

Trước xu thế chuyển đổi số, phát triển kinh tế số hiện nay, với thế mạnh của một Tạp chí chuyên sâu về kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, Tổng biên tập Chử Văn Lâm cho biết: Tạp chí Kinh tế Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực hướng vào nền kinh tế số, với mục tiêu mong muốn hình thành một hub (cổng, trung tâm thông tin) để tất cả những ai quan tâm đến nền kinh tế số Việt Nam sẽ phải tìm đến đọc.

Tổng biên tập Chử Văn Lâm cho biết: Tạp chí Kinh tế Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực hướng vào nền kinh tế số.
Tổng biên tập Chử Văn Lâm cho biết: Tạp chí Kinh tế Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực hướng vào nền kinh tế số.

Với hướng phát triển và những cách làm mới đó, Tổng biên tập Chử Văn Lâm kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho phép Tạp chí Kinh tế Việt Nam một cơ chế thí điểm theo mô hình Sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới...).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất gắn bó và đồng hành trên suốt chặng đường dài với Tạp chí Kinh tế Việt Nam để có được như ngày hôm nay. Trước những kiến nghị về cơ chế thử nghiệm theo mô hình Sandbox, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Tạp chí Kinh tế Việt Nam hãy suy nghĩ, viết ra và gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông.

Với hướng phát triển và những cách làm mới, Tổng biên tập Chử Văn Lâm kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho phép Tạp chí Kinh tế Việt Nam một cơ chế thí điểm theo mô hình Sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới...).
Với hướng phát triển và những cách làm mới, Tổng biên tập Chử Văn Lâm kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho phép Tạp chí Kinh tế Việt Nam một cơ chế thí điểm theo mô hình Sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới...).

Một trong những cách để có thể đi nhanh đó là nên thám hiểm những “vùng” mới lạ, chưa ai động chạm đến, pháp luật còn chưa cho phép thậm chí còn cấm và xin cơ chế. Đó là một trong những cách tốt nhất cho các tổ chức đổi mới sáng tạo.

Đến nay, những khó khăn đã vượt qua, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và khát vọng, có ngôi sao dẫn lối, có nguồn lực và hội đủ điều kiện để phát triển.

Cảm nhận về những khó khăn sau một chặng đường dài mệt mỏi của Tạp chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, chỉ qua khó khăn mới cho những cảm hứng mới. Tạp chí Kinh tế Việt Nam cũng coi đó như là cơ hội để mở ra một trang mới sẽ xán lạn. Đặc biệt, khi Tạp chí lấy sứ mệnh quốc gia làm sứ mệnh của chính mình thì sẽ có khả năng đi xa.

“Tạp chí Kinh tế Việt Nam chọn kinh tế số là đúng hướng vì đây sẽ là động lực chính dẫn dắt. Nếu kinh tế Việt Nam muốn đi lên thì chắc chắn kinh tế số phải dẫn đầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Tạp chí Kinh tế Việt Nam chọn kinh tế số là đúng hướng vì đây sẽ là động lực chính dẫn dắt. Nếu kinh tế Việt Nam muốn đi lên thì chắc chắn kinh tế số phải dẫn đầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo  Bộ trưởng, thương hiệu của mình là do sứ mệnh và việc mình làm tạo ra. Với tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc Tổng biên tập Chử Văn Lâm, Ban lãnh đạo Tạp chí và toàn thể cán bộ nhân viên có khát vọng mới, năng lượng mới và tạo ra một trang mới trong sự phát triển của Tạp chí.

Thay mặt toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Tổng biên tập Chử Văn Lâm bày tỏ vinh dự và cảm ơn sự quan tâm và những tình cảm quý báu của Bộ Thông tin và Truyền thông và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã luôn quan tâm, động viên, ủng hộ và chỉ hướng đi trọng tâm trong tương lai cho Tạp chí.

Tổng biên tập Chử Văn Lâm mong muốn trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược kinh tế số, nếu còn những khó khăn, vướng mắc, Tạp chí Kinh tế Việt Nam rất mong được Bộ trưởng và Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi.

Thay mặt toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Chử Văn Lâm đã cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã quan tâm, động viên, ủng hộ và chỉ hướng đi trọng tâm trong tương lai cho Tạp chí.
Thay mặt toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Chử Văn Lâm đã cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã quan tâm, động viên, ủng hộ và chỉ hướng đi trọng tâm trong tương lai cho Tạp chí.