Bộ trưởng Nhật: “TPP-11 có thể được ký vào tháng 3”
11 quốc gia thành viên còn lại của TPP có thể sẽ ký một thỏa thuận mới không có Mỹ vào ngày 8/3 tại Chile
11 quốc gia thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ ký một thỏa thuận mới không có Mỹ vào ngày 8/3 tại Chile, sau khi vượt qua bất đồng trong những vấn đề nổi cộm bao gồm một đề xuất của Canada về bảo hộ văn hóa - hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo dẫn lời một vị bộ trưởng nước này cho biết ngày 23/1.
"Đây là một thỏa thuận mang tính cột mốc cho Nhật và toàn thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương", ông Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng phụ trách vấn đề TPP của Nhật, cho biết sau khi bộ trưởng bộ thương mại 11 nước TPP hoàn tất văn kiện thỏa thuận và chốt ngày ký kết. Đây là kết quả đạt được sau hai ngày họp ở Tokyo.
Sau khi TPP có hiệu lực, "tôi muốn giải thích với nước Mỹ về tầm quan trọng của thỏa thuận với hy vọng họ sẽ quay lại. Các nước khác cũng đã thể hiện mối quan tâm với TPP, nên tôi muốn chia sẻ thông tin và tìm cách mở rộng TPP", ông Motegi nói.
Về đề xuất của Canada muốn hạn chế các bộ phim nước ngoài được trình chiếu tại nước này nhằm bảo vệ văn hóa nói tiếng Pháp, một số thành viên khác tỏ ra thận trọng, vì điều này có thể dẫn tới việc phải sửa lại thỏa thuận về tự do thương mại trong văn kiện TPP.
Cuối cùng, các bên nhất trí vấn đề sẽ được giải quyết dưới dạng văn kiện đàm phán bổ sung (side letter), tách bạch khỏi văn kiện TPP - ông Motegi cho hay. Chi tiết của thỏa thuận đàm phán bổ sung này sẽ không được công bố cho tới khi TPP được ký, theo vị quan chức Nhật.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, vào tháng 11 năm ngoái tại Đà Nẵng, 11 nước còn lại trong thỏa thuận đã đạt nhất trí về những nội dung chính trong phiên bản mới của thỏa thuận - với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn tại như đề xuất của Canada được gác lại để đàm phán sau.
Ngoài đề xuất của Canada về bảo hộ văn hóa, còn có 3 vấn đề khác gây trở ngại cho việc hoàn tất thỏa thuận. Trong đó, Việt Nam đề nghị được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt thương mại có thể được áp bởi các quốc gia khác trong trường hợp quyền của người lao động không được bảo vệ. Malaysia và Brunei thì muốn tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi doanh nghiệp quốc doanh và ngành than, tương ứng với mỗi nước.
Các nhà đàm phán TPP đã giải quyết đề nghị của Malaysia và Brunei bằng cách quyết định tạm hoãn thực thi các điều khoản liên quan. Về đề nghị của Việt Nam, các nhà đàm phán nhất trí giải quyết bằng một văn bản riêng, ông Motegi cho hay.
Đang phải đối mặt với cuộc đàm phán khó khăn với Mỹ và Mexico về Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA), Canada đã phát tín hiệu sẽ không vội ký thỏa thuận TPP dưới dạng hiện nay. Trong khi đó, Nhật Bản, Australia và Chile hy vọng sẽ ký thỏa thuận vào tháng 3.
Với sự lưỡng lự của Canada, một số nhà đàm Nhật Bản đã đưa ra ý tưởng thúc đẩy việc ký thỏa thuận mà không có Ottawa. Muốn TPP được ký sớm nhất có thể, Nhật Bản hy vọng thỏa thuận sẽ được ký vào đầu tháng 3, để dự luật phê chuẩn TPP có thể được trình lên kỳ họp định kỳ 150 ngày bắt đầu vào ngày thứ Hai của Quốc hội nước này.
Chile muốn là nước chủ nhà của lễ ký trước khi nước này có Tổng thống mới vào ngày 11/3 - nguồn tin là quan chức đàm phán TPP của Nhật cho hay.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi TPP, Nhật Bản đã đi đầu trong việc vực dậy thỏa thuận. Ông Trump cho rằng thỏa thuận đa phương này sẽ gây thiệt hại việc làm cho nước Mỹ và nói ông muốn ký các thỏa thuận song phương hơn.
Thỏa thuận TPP đầu tiên được ký bởi 11 quốc gia và Mỹ vào tháng 2/2016, nhưng chưa bao giờ được thực thi sau khi Mỹ rời bỏ.
Không có sự tham gia của Mỹ, TPP-11 chỉ bao trùm 13% nền kinh tế toàn cầu, nhưng các chuyên gia thương mại tin rằng thỏa thuận sẽ tạo ra một khu vực tự do mậu dịch với những tiêu chuẩn cao về tự do hóa thị trường.
Các nước thành viên của TPP-11 gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.