Thuế quan Mỹ - Trung leo thang, giới kinh tế học điều chỉnh dự báo kinh tế Trung Quốc
Một số ngân hàng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2025 do lo ngại về tác động của thuế quan...

Ngày 10/4, ngân hàng Goldman Sachs là tổ chức dự báo mới nhất hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ có bước leo thang mới.
Trong vòng chưa đầy 1 tuần, thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng hóa Mỹ đã tăng hơn gấp đôi. Bắc Kinh cũng mạnh tay trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Ngày 9/4, ông Trump nâng mức thuế quan áp lên hàng Trung Quốc lên 125% từ 104% trước đó, có hiệu lực tức thì. Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế 84% lên hàng Mỹ.
Trong dự báo mới nhất, các nhà kinh tế của Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm 2025 còn 4%, từ 4,5% đưa ra trong lần dự báo trước. Cơ sở của việc cắt giảm triển vọng kinh tế Trung Quốc là rủi ro từ việc thuế quan leo thang giữa hai nước.
Theo ngân hàng đầu tư hàng đầu Phố Wall này, thuế quan của Mỹ tăng lên mức 125% đối với hàng Trung Quốc, từ mức 11% trước khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm đi 2,2 điểm phần trăm trong năm nay.
Báo cáo của Goldman Sachs nhận định Bắc Kinh có thể đẩy mạnh việc nới lỏng chính sách nhằm cân bằng tác động của thuế quan, nhưng các biện pháp đó có thể sẽ không bù đắp được hoàn toàn những ảnh hưởng tiêu cực mà thuế quan gây ra.
Hôm 8/4, một ngân hàng khác của Mỹ là Citi cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc về 4,2% trong năm 2025, giảm 0,5 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. Tương tự, ngân hàng đầu tư Natixis cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay về 4,2% từ 4,7% trước đó.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley chưa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhưng tuần này nói rằng rủi ro đang tăng lên. Hiện tại, Morgan Stanley dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 4,5% trong năm 2025.
Hồi tháng 3, Chính phủ Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng chính thức của năm 2025 “khoảng 5%”, bằng mục tiêu của năm 2024, nhưng thừa nhận đây là một mục tiêu không dễ đạt được.
“Vấn đề chính bây giờ là sự bấp bênh đối với nền kinh tế đang tăng lên”, nhà kinh tế trưởng Hao Zhou của công ty Guotai Junan International nhận định. Ông Zhou cũng cho rằng việc dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn trước do thuế quan tăng cao.
Một báo cáo của Goldman Sachs hôm 8/4 cho rằng 50% đầu tiên trong thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ này có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm đi 1,5 điểm phần trăm, nhưng 50% tăng thêm tiếp theo sẽ chỉ khiến tăng trưởng GDP của nước này giảm đi 0,9 điểm phần trăm. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm khoảng 3% tổng GDP của Mỹ, theo Goldman Sachs.
Nomura dự báo kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2% trong năm nay, thay vì không thay đổi như dự báo trước đó - theo một báo cáo công bố hôm 8/4. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 2025 của Trung Quốc ở mức 4,5%.
“Xét tới tình hình liên tục thay đổi, rất khó để đưa ra một ước tính chính xác về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế Trung Quốc”, ông Lu nói, cho biết dự báo mà ông đưa ra đã tính đến tình huống căng thẳng gia tăng.
Ngoài thương chiến với Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc còn đang chịu tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và nhu cầu tiêu dùng trong nước ảm đạm. Số liệu thống kê công bố ngày 10/4 cho thấy giá tiêu dùng ở Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 3 vừa qua, trong khi giá nhà sản xuất đã giảm tháng thứ 29 liên tiếp.