13:46 10/04/2025

Người Mỹ tích trữ tiền mặt nhiều nhất hơn 30 năm

Đức Anh

“Cơn sốt” MMF đã bắt đầu từ lâu trước khi cú sốc thuế quan của ông Trump xuất hiện...

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Theo dữ liệu từ hiệp hội các quỹ đầu tư lớn trên thế giới Investment Company Institute (ICI), giá trị tài sản của nhà đầu tư Mỹ trong quỹ thị trường tiền tệ (MMF) đang ở mức cao kỷ lục trong vòng hơn 30 năm trở lại đây.

Các quỹ MMF thường nắm giữ những tài sản rủi ro thấp, dễ thanh khoản, trong đó có trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn.

Xu hướng gửi tiền vào các MMF tăng vọt vào đầu tháng 4 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo kế hoạch công bố thuế đối ứng sau nhiều lần úp mở. 

Theo chính sách này, chính quyền Trump áp thuế quan cơ sở 10% từ ngày 5/4 với hầu hết đối tác thương mại và mức cao hơn, dao động từ 11% đến 50%, với những nước có thặng dư thương mại với Mỹ từ ngày 9/4. Nhưng chưa đầy 1 ngày sau khi toàn bộ thuế đối ứng có hiệu lực, ông Trump bất ngờ tuyên bố đưa toàn bộ thuế quan đối ứng về mức cơ sở 10% với tất cả đối tác thương mại bị áp thuế này trong 90 ngày, nhưng riêng thuế quan với Trung Quốc tăng thêm 125%. 

Dữ liệu từ công ty Crane Data cho thấy chỉ trong vài ngày đầu tháng 4, các nhà đầu tư đã gửi hơn 60 tỷ USD vào các quỹ MMF tại Mỹ. Tính đến ngày 3/4, lượng tiền mặt tại các quỹ này tăng lên mức kỷ lục 7,4 nghìn tỷ USD - con số cao nhất kể từ năm 1991.

Tuy nhiên, trên thực tế, “cơn sốt” MMF đã bắt đầu từ lâu trước khi cú sốc thuế quan của ông Trump xuất hiện. Theo dữ liệu thống kê khác từ ICI, lượng tiền mặt gửi tại các MMF Mỹ đã tăng 60% trong 5 năm qua, từ 4,4 nghìn tỷ USD lên hơn 7 nghìn tỷ USD - tính tới ngày 2/4.

Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện giá trị tài sản tại các MMF Mỹ kể từ 1991 đến nay.

Người Mỹ tích trữ tiền mặt nhiều nhất hơn 30 năm - Ảnh 1

Trong các giai đoạn khủng hoảng trước đây, tài sản tại các quỹ MMF tăng vọt như trong khủng hoảng tài chính năm 2008, giai đoạn đầu của Covid-19 và sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ vào năm 2023.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân của sự gia tăng này là tính an toàn khi tiền gửi vào các MMF trong bối cảnh các khoản đầu tư khác đối mặt biến động mạnh. Nhưng một nguyên nhân quan trọng khác là lợi nhuận.

Kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh tay vào năm 2022 để chống lạm phát sau đại dịch Covid, các MMF đã đưa ra mức lợi nhuận ngày càng hấp dẫn với mức bình quân hiện tại là 4,2%, tăng từ mức gần bằng 0% chỉ vài năm trước. Kể cả khi Fed đã hạ lãi suất vài lần, các nhà đầu tư vẫn không rút tiền. Theo giới chuyên gia, các MMF giờ đang ngày càng trở thành một nơi để nhà đầu tư phân bổ tài sản dài hạn, chứ không chỉ là một nơi “tạm thời gửi tiền” để chờ qua khủng hoảng như trước đây.