09:57 09/04/2025

Ông Trump đang "chờ" Trung Quốc gọi điện để đàm phán thuế quan

Ngọc Trang

"Trung Quốc cũng rất muốn thương lượng, nhưng họ không biết phải bắt đầu như thế nào. Chúng tôi đang chờ cuộc gọi của họ"...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/4 cho biết đang chờ đợi cuộc gọi từ Chính phủ Trung Quốc để đàm phán thương mại trong bối cảnh thời điểm thuế đối ứng của ông với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực cận kề.

Theo thông báo từ Nhà Trắng cùng ngày, từ 0h ngày 9/4, tổng mức thuế quan bổ sung với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ sẽ là 104%. Con số này bao gồm thuế đối ứng 34%, thuế quan bổ sung 20% đã áp dụng hai tháng qua và thêm 50% được ông Trump đưa ra sau khi Bắc Kinh tuyên bố đánh thuế 34% lên hàng Mỹ để trả đũa thuế đối ứng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng đã áp thuế quan 20% lên hàng hóa Trung Quốc.

Sau khi ông Trump dọa sẽ áp thêm thuế quan 50% với hàng Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng”, làm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Trung Quốc cũng rất muốn thương lượng, nhưng họ không biết phải bắt đầu như thế nào. Chúng tôi đang chờ cuộc gọi của họ. Điều này sẽ xảy ra”, ông Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social tối ngày 8/4.

Thuế quan trả đũa với thuế suất 34% của Trung Quốc với hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã đưa nhiều công ty Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy” và hạn chế xuất khẩu hàng hóa chiến lược cho một số doanh nghiệp Mỹ để trả đũa thuế đối ứng của ông Trump.

Về phía Mỹ, ông Trump nhiều lần phàn nàn rằng chính sách thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc làm suy yếu ngành sản xuất và sự cạnh tranh của Mỹ.

“Với ông Trump, căng thẳng thương mại và bất ổn là phương tiện để đạt được mục đích", ông Frank Lavin, nhà nghiên cứu tại Viện Hoover, nhận xét với tờ báo Nikkei Asia. “Ông ấy coi thuế quan như một cơ chế để đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc cũng có tinh thần dân tộc chủ nghĩa và các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không hành động do bị ép buộc”.

Vị chuyên gia hy vọng trong ngắn hạn hai bên sẽ bắt đầu đàm phán để giải quyết các bất đồng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể không sẵn sàng thương lượng với Washington.

"Chủ nghĩa dân tộc mà ông Trump khởi xướng giờ đây giống như một đám cháy rừng, thiêu rụi cánh rừng của nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc”, ông Andrew Collier, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Harvard Kennedy, nhận xét.

Theo ông Collier, thuế quan của ông Trump có thể sẽ làm trầm trọng thêm khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn chìm trong khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu dùng ảm đạm.

Kể từ khi ông Trump công bố thuế đối ứng với hàng chục đối tác với mức thuế quan dao động từ 10-50% hôm 2/4, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã tiếp cận Nhà Trắng để bắt đầu đàm phán thương mại. Trong số này có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Từ ngày 5/4, thuế đối ứng cơ sở 10% đã có hiệu lực. Từ ngày 9/4, thuế đối ứng ở mức cao hơn sẽ có hiệu lực. Trong đó, Việt Nam chịu thuế 46%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 25%...

Trong nhóm bị áp thuế đối ứng cao nhất có nhiều quốc gia Đông Nam Á, nơi các doanh nghiệp Trung Quốc đã dịch chuyển chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất sang đây kể từ sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Giới phân tích dự báo cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tác động sâu sắc tới nền thương mại toàn cầu.