18:00 10/04/2025

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của Fed

Bình Minh

Nếu tiếp tục hạ lãi suất để cứu tăng trưởng, Fed có thể phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn, nhưng nếu Fed giữ lãi suất cao hơn để chống lạm phát, tăng trưởng có thể suy yếu thêm...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ suy giảm và lạm phát ở nước này tăng lên. Rủi ro đó đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào một tình thế khó khăn: nếu tiếp tục hạ lãi suất để cứu tăng trưởng, Fed có thể phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn, nhưng nếu Fed giữ lãi suất cao hơn để chống lạm phát, tăng trưởng có thể suy yếu thêm.

Ngày 9/4 là ngày mà toàn bộ kế hoạch thuế quan đối ứng có hiệu lực, nhưng ngay trong ngày, ông Trump bất ngờ tuyên bố hạ thuế quan này về mức cơ sở 10% trong 90 ngày cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp, ngoại trừ Trung Quốc. Riêng đối với Trung Quốc, ông Trump nâng mức thuế quan lên 125% từ 104% trước đó, có hiệu lực tức thì, để đáp trả việc Bắc Kinh áp thuế quan 84% lên hàng Mỹ.

KINH TẾ MỸ CÓ THỂ SUY THOÁI NÔNG

Với tiến trình đàm phán giữa Mỹ và các đối tác thương mại khác trong 90 ngày tới là điều khó đoán trước kết quả, cộng thêm việc xung đột thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc bị đẩy lên cao, triển vọng kinh tế Mỹ được đánh giá là còn nhiều bất định. Một số chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ có thể suy thoái trong năm nay, nhưng đó sẽ là suy thoái nhẹ.

Các nhà kinh tế của ngân hàng JPMorgan Chase dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ sẽ giảm 0,3% trong năm nay, đồng nghĩa nền kinh tế có thể rơi vào một cuộc suy thoái nông.

Nhà kinh tế cấp cao Joe Seydl của ngân hàng phục vụ tư nhân JPMorgan Private Bank nhận định ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Mỹ chưa cho thấy dấu hiệu sụt tốc mạnh. Ông Seydl cũng cho rằng nếu thuế quan được áp dụng kéo dài thay vì trong một thời gian ngắn, thuế quan có thể gây ra một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ.

Khi Mỹ áp thuế quan lên hàng nhập khẩu, doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài sẽ phải trả thuế đó, khiến chi phí của họ tăng lên. Nếu doanh nghiệp tránh đẩy phần chi phí gia tăng về phía người tiêu dùng, biên lợi nhuận của họ sẽ suy giảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định doanh nghiệp sẽ phải đẩy ít nhất một phần chi phí tăng thêm này về phía người tiêu dùng.

Hàng hóa đắt đỏ hơn có thể dẫn tới người tiêu dùng giảm chi tiêu, và doanh số bán hàng giảm khiến lợi nhuận của doanh nghiệp càng eo hẹp hơn. Các công ty có thể cắt giảm chi phí bằng cách sa thải nhân công, khiến người tiêu dùng mất việc làm càng chi tiêu tằn tiện hơn, trong khi tiêu dùng là lĩnh vực đóng góp khoảng 70% nền kinh tế Mỹ.

Không chỉ tác động tới tăng trưởng, thuế quan còn có thể ảnh hưởng tới lạm phát. Giới chuyên gia kinh tế dự báo thuế quan sẽ khiến lạm phát ở Mỹ tăng lên trong năm nay, đúng vào lúc lạm phát đang có thấy những dấu hiệu “cứng đầu” trên mục tiêu 2% của Fed. Tốc độ tăng hàng năm của chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - đang có dấu hiệu chững lại ở vùng 2,5%.

“Thuế quan nhiều khả năng sẽ làm lạm phát tăng, ít nhất là tăng tạm thời. Hệ quả đó cũng có thể kéo dài”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu hôm 4/4 - một dấu hiệu cho thấy nhà hoạch định chính sách tiền tệ quyền lực nhất thế giới còn chưa sẵn sàng cho việc cắt giảm lãi suất.

“Fed đang ở vào thế khó”, nhà kinh tế cấp cao Sarah House của ngân hàng Wells Fargo phát biểu trên tờ báo Financial Times. Bà House cho rằng Fed sẽ giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức 4,25-4,5% “lâu nhất có thể”.

FED SẼ ƯU TIÊN CHỐNG LẠM PHÁT?

Thống đốc Fed Adriana Kugler hôm 7/4 nói việc ghìm giữ kỳ vọng lạm phát dài hạn nên là “một ưu tiên”, và cho rằng việc người tiêu dùng đẩy nhanh mua sắm những hàng hóa đắt tiền như ô tô trước khi thuế quan có hiệu lực có thể mang lại một cú huých tăng trưởng trong ngắn hạn.

Cùng ngày, CEO Larry Fink của công ty quản lý tài sản BlackRock nói ông lo ngại hơn về lạm phát, cho rằng khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất là “bằng 0”. “Tôi lo về lạm phát hơn cả nếu tất cả thuế quan đã công bố được thực thi”, ông nói.

Về phần mình, giới chức Fed đã phát tín hiệu rằng cho tới khi tác động của thuế quan tới tăng trưởng và lạm phát trở nên rõ ràng, họ sẽ giữ trạng thái “chờ xem”.

Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định Fed sẽ không “vội đánh giá” về tác động từ chính sách thuế quan hay chính sách tài khóa của ông Trump, chẳng hạn chủ trương cắt giảm thuế trong nước của vị Tổng thống. “Cả ông Powell và các nhà lãnh đạo khác của Fed đều chưa rõ những chính sách này sẽ có ảnh hưởng cụ thể như thế nào. Bởi vậy, họ có thể đợi tới tháng 9 mới giảm lãi suất”, ông Posen nhận định.

Kỳ vọng của thị trường vào việc Fed hạ lãi suất trong năm nay đã tăng lên trong những ngày gần đây. Đặt cược trên thị trường lãi suất tương lai cho thấy các nhà giao dịch tin rằng Fed sẽ có 4-5 đợt giảm lãi suất trong cả năm, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm mỗi lần. Thị trường nhận định Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm hoặc 0,5 điểm phần trăm ngay trong cuộc họp tháng 6.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế tin răng Fed sẽ ưu tiên việc chống áp lực giá cả hơn là rủi ro suy thoái kinh tế, nhất là sau khi cuộc chiến chống lạm phát 2 năm qua của Fed đã đi được một chặng đường dài và tiến gần hơn bao giờ hết để thắng lợi cuối cùng.

“Trong môi trường hiện nay, khi áp lực lạm phát tăng lên, sẽ khó có chuyện Fed cắt giảm lãi suất kiểu đón đầu”, nhà kinh tế trưởng Claudia Shahm của công ty New Century Advisors nhận định với Financial Times.

Nhà kinh tế trưởng Vincent Reinhart của công ty BYN Investments cho rằng Fed có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra một chiến lược chính sách tiền tệ rõ ràng trong môi trường nhiều bất định như hiện nay. Theo ông Reinhart, rủi ro nằm ở chỗ nếu Fed đợi cho tới khi tác động của thuế quan trở nên rõ ràng, Fed có thể hành động quá muộn. “Đợi lâu nhất có thể sẽ dẫn tới tình trạng đợi quá lâu”, nhà kinh tế này nói.