17:17 08/04/2025

Thương chiến với Mỹ đẩy Canada tới bờ vực suy thoái

An Huy

Tác động từ thuế quan đã áp và nỗi lo ngại về khả năng bị áp thêm thuế quan đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lớn đến nền kinh tế Canada...

Thủ tướng Canada Mark Carney - Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Canada Mark Carney - Ảnh: Reuters.

Kinh tế Canada đã suy yếu từ mấy tháng trước, và hiện tại, nền kinh tế Bắc Mỹ này đang ngấp nghé bờ vực suy thoái vì các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Donald Trump - tờ Wall Street Journal cho hay.

Theo tờ báo trên, nền kinh tế Canada đang bắt đầu chứng kiến tình trạng mất mát việc làm sau nhiều tháng đương đầu với mối lo ngại do thuế quan gây ra. Cùng với đó, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng Canaca ngày càng trở nên ảm đạm khi nước này - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - chuẩn bị cho nhiều thách thức lớn hơn ở phía trước.

NHỮNG TÍN HIỆU CỦA SUY THOÁI

“Cú sốc thuế quan đang ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Canada”, nhà kinh tế Robert Embree, của công ty nghiên cứu Rosenberg Research nhận định, cho rằng nước này đang đứng bên bờ vực suy thoái. Điều đáng nói là rủi ro suy thoái của kinh tế Canada tăng lên dù ông Trump không áp thuế đối ứng lên Canada và Mexico - hai quốc gia mà trước đó ông đã áp mức thuế quan 25%.

Canada đã nằm trong tầm ngắm về thuế quan của ông Trump kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1. Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc Canada để cho một lượng lớn chất gây nghiện fentanyl xâm nhập vào Mỹ, đồng thời tuyên bố ông muốn thép, nhôm và ô tô đang được sản xuất tại Canada phải được sản xuất tại các nhà máy của Mỹ. Trong 2 tháng rưỡi kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã đánh thuế quan 25% đối với ô tô, thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ - trong đó có một lượng lớn sản phẩm đến từ Canada - đồng thời triển khai thuế quan 25% đối với các hàng hóa từ Mexico và Canada không đáp ứng các tiêu chuẩn của thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Tác động từ thuế quan đã áp và nỗi lo ngại về khả năng bị áp thêm thuế quan đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lớn đến nền kinh tế Canada. Tuần trước, cơ quan thống kê của nước này báo cáo số liệu cho thấy có 33.000 người mất việc làm trong tháng 3 - con số tồi tệ nhất trong hơn 3 năm trở lại đây.

Ngày 7/4, Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) công một báo cáo cho thấy các doanh nghiệp và hộ gia đình ở nước này kỳ vọng ​​lạm phát sẽ tăng lên, và các nhà điều hành doanh nghiệp cảnh báo sẽ phải đẩy phần chi phí gia tăng do thuế quan về phía người tiêu dùng cho dù việc này có thể gây suy yếu nhu cầu.

Cuộc khảo sát triển vọng kinh doanh quý 1/2023 của BOC cho thấy 32% các công ty Canada hiện đang lên kế hoạch cho một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong 12 tháng tới, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 15% trong nửa cuối năm 2024. BOC cũng cho biết kế hoạch tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đang bị trì hoãn, và niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường lao động đã suy yếu. Ngoài ra, ý định đầu tư của các nhà điều hành doanh nghiệp cũng giảm sút.

Ngày 7/4, Thủ tướng Canada Mark Carney - người đang tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào cuối tháng này - cho biết Canada còn có thể phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực gián tiếp từ các chính sách của ông Trump. Ông Carney nói rằng nguy cơ suy thoái kinh tế đang tăng nhanh, và tình trạng này sẽ làm suy yếu thêm nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa của Canada.

CÁC NỖ LỰC ỨNG PHÓ

Chính phủ của ông Carney đã triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như bơm nhiều tỷ đôla Canada để cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các ngành có mức độ tiếp xúc cao với thương mại và cho phép các công ty hoãn nộp thuế để giúp củng cố dòng tiền trong bối cảnh đơn hàng giảm. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất các biện pháp giảm thuế mới cho những người cao tuổi có danh mục đầu tư bị ảnh hưởng.

Chính quyền tỉnh Ontario - địa phương nơi có hơn 125.000 lao động làm việc trong ngành ô tô - ngày 7/4 công bố một gói cắt giảm thuế trị giá 7,8 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và người lao động bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Đối với ngành công nghiệp ô tô - một trong những ngành công nghiệp của Canada có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất, chỉ sau các ngành năng lượng và kim loại - Chính phủ Canada đang cố gắng tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Mức thuế 25% của ông Trump đối với ô tô nhập khẩu dự kiến ​​sẽ bóp nghẹt ngành sản xuất ô tô của Canada với sản lượng khoảng 1,3 triệu xe trong năm ngoái và sử dụng 54.000 công nhân.

Một số thiệt hại đã được thấy rõ. Tuần trước, hãng xe Stellantis cho biết đã tạm dừng sản xuất tại một nhà máy ở Windsor, Ontario trong 2 tuần và cho nghỉ việc tạm thời 4.600 công nhân.

Một quan chức cấp cao của Chính phủ Canada cho biết Ottawa đang cân nhắc hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ duy trì hoạt động sản xuất ô tô tại Canada để bù đắp mức thuế 25% mà ông Trump đặt ra đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ. Vị quan chức cho biết đây là biện pháp tạm thời để mang lại sự ổn định cho ngành công nghiệp ô tô Canada cho đến khi Chính phủ nước này có thể đạt một thỏa thuận về thuế quan với Mỹ.

Triển vọng chính sách tài khóa và tiền tệ của Canada cũng trở nên phức tạp hơn do quyết định trả đũa của Chính phủ nước này đối với thuế quan Mỹ. Tuần trước, ông Carney tuyên bố Canada cũng sẽ áp thuế quan 25% lên ô tô nhập khẩu từ Mỹ không đáp ứng các tiêu chuẩn của thỏa thuận USMCA. Động thái này có khả năng làm tăng giá 67.000 ô tô nhập khẩu từ Mỹ vào Canada mỗi năm.

Trước đó, Canada đã áp thuế quan 25% lên hơn 40 tỷ USD hàng hóa Mỹ, dẫn tới tăng giá các sản phẩm rượu vang và rượu mạnh, bơ đậu phộng và đồ gia dụng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng.

Nhà kinh tế học Royce Mendes của công ty Desjardins Group cho biết triển vọng giá cả tăng cao có thể buộc BOC giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 16/4 tới, và đó sẽ là lần tạm dừng đầu tiên kể từ khi cơ quan này bắt đầu cắt giảm cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024. Ông Mendes nói: “Trừ khi hệ thống tài chính có trục trặc, sẽ khó có chuyện các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Canada giảm lãi suất trong thời gian tới”.