Nhật Bản được Mỹ ưu tiên đàm phán về thuế đối ứng
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer là hai đầu mối của Washington để đàm phán thương mại với Nhật. Dự kiến, cuộc đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 9/4...

Nhật Bản là một trong những quốc gia được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ưu tiên sắp xếp đàm phán thương mại trong bối cảnh hàng chục quốc gia đã tiếp cận Washington để thương thảo về thuế đối ứng.
Trước đó, ngày 2/4, ông Trump thông báo áp thuế đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại của Mỹ với mức thuế quan cơ sở là 10% và cao hơn từ 11-50% với khoảng 60 đối tác khác, trong đó có Nhật Bản - nước bị áp thuế suất 24%.
Ngày 7/4, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, ông Trump đã chỉ định Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer đại diện Washington đàm phán thương mại với Tokyo. Dự kiến, cuộc đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 9/4 - thời điểm thuế đối ứng ở mức cao hơn của ông Trump có hiệu lực - với nội dung chính là vấn đề thuế quan và tỷ giá tiền tệ. Trước đó, thuế đối ứng cơ sở 10% đã có hiệu lực từ ngày 5/4.
"Trong số các đối tác thương mại hành động nhanh chóng để xúc tiến đàm phán với Mỹ, Nhật Bản sẽ được ưu tiên”, ông Bessent cho biết.
Chia sẻ trên mạng xã hội X, ông Bessent cũng thông báo về lịch trình đàm phán với Nhật, cho biết ông và ông Greer đã được giao nhiệm vụ tiến hành đám phán để thực hiện tầm nhìn của Tổng thống Trump về “Kỷ nguyên vàng mới của thương mại toàn cầu” với Nhật Bản.
Trong cuộc điện đàm nói trên, ông Ishiba và ông Trump đã nhất trí sẽ chỉ định các quan chức chính phủ tham gia đàm phán thương mại song phương.
Thông thường, các cuộc đàm phán về thương mại do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) chủ trì. Tuy nhiên, đàm phán với Nhật lần này, việc Bộ trưởng Tài chính là người chủ trì cho thấy Washington đang tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan tới tiền tệ, cụ thể là sự suy yếu của đồng yên Nhật so với USD.
Tại cuộc điện đàm, ông Ishiba bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng 24% với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản vào Mỹ. Ông cho rằng thuế quan này làm giảm khả năng đầu tư vào Mỹ của các công ty Nhật, đồng thời kêu gọi ông Trump cân nhắc lại.
Thủ tướng Nhật khẳng định hai nước cần xem xét một “cách tiếp cận toàn diện về việc hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai bên, bao gồm mở rộng đầu tư, thay vì đánh thuế đơn phương”.
Chia sẻ với báo chí sau cuộc điện đàm, ông Ishiba cho biết vẫn chưa quyết định chỉ định quan chức nào sẽ tham gia đàm phán với Mỹ, đồng thời cho biết ông sẵn sàng tới Washington “vào một thời điểm thích hợp”, tùy thuộc vào diễn tiến của các cuộc đàm phán cấp cao.
“Ông Ishiba sẽ cử một đội ngũ hàng đầu để đàm phán”, ông Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social sau cuộc điện đàm.
Vị Tổng thống cũng nhấn mạnh một lần nữa rằng Nhật Bản - một nước đồng minh của Washington - đã đối xử với Mỹ “rất tệ” về mặt thương mại, như không nhập khẩu ô tô Mỹ.
Chính quyền ông Trump hiện áp thuế quan 25% với toàn bộ nhôm, thép và ô tô nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm từ Nhật Bản. Sau tuyên bố thuế đối ứng của ông Trump hôm 2/4, chỉ số Nikkei của chứng khoán Nhật lao dốc mạnh.
Từ lâu, ông Ishiba luôn nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán giữa Nhật và Mỹ nên tập trung vào việc Washington có lợi như thế nào từ quan hệ hợp tác song phương. Nhiều nhà phân tích quan ngại rằng vấn đề thuế quan có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ an ninh giữa hai nước đồng minh này.
Với cuộc điện đàm ngày 7/4, Nhật Bản phản ứng với thuế đối ứng của ông Trump chậm hơn so với các quốc gia khác. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã điện đàm với ông Trump trong vòng chưa đầy 2 ngày sau khi vị Tổng thống thông báo kế hoạch thuế đối ứng.
Trước đó, tại cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2, ông Ishiba nhấn mạnh sự đóng góp của đầu tư Nhật vào nền kinh tế Mỹ và kêu gọi ông Trump miễn trừ Nhật Bản khỏi các kế hoạch thuế quan. Tuy nhiên, điều này vẫn không giúp Nhật Bản tránh được mức thuế đối ứng cao. Hàn Quốc - một nước đồng minh khác của Mỹ tại châu Á - chịu thuế đối ứng 25%.