13:04 09/04/2025

Thương chiến toàn cầu: Thế giới hứng cùng lúc 2 cú sốc

Hoài Thu

Nền kinh tế với quy mô 115 nghìn tỷ USD toàn cầu đang đối mặt “cú sốc kép” khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai động lực tăng trưởng hàng đầu - ngày càng leo thang...

Ảnh minh họa: Bloomberg
Ảnh minh họa: Bloomberg

Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế đối ứng 34% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 9/4. Cộng với thuế quan bổ sung 20% đã áp dụng từ hai tháng qua, tổng thuế quan bổ sung với hàng Trung Quốc vào Mỹ là 54%. Chưa đầy 48h, Bắc Kinh tuyên bố đánh thuế 34% với hàng hóa Mỹ để đáp trả. Động thái này khiến ông Trump nổi giận và tuyên bố sẽ áp thêm thuế quan 50% với hàng Trung Quốc.

Tổng thuế quan 104% mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc trong nhiệm kỳ này của ông Trump đã có hiệu lực từ 0h ngày 9/4 theo giờ Mỹ. Thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đẩy kinh tế toàn cầu tới trước bờ vực suy thoái.

"CÚ SỐC KÉP" TỪ HAI NỀN KINH TẾ LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Theo một phân tích của hãng tin Bloomberg về dòng chảy thương mại và các mối quan hệ kinh tế, sau khi bị Washington đánh thuế quan cao, Trung Quốc có thể sẽ điều hướng lại phần lớn hàng hóa xuất khẩu của mình sang các quốc gia khác, gây ra “cú sốc Trung Quốc” với nhiều nền kinh tế. Điều này tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump.

Lần này, vấn đề lớn là dòng chảy xuất khẩu của Trung Quốc tràn sang các quốc gia khác trong bối cảnh chính những quốc gia khác cũng đang mất đi một phần thị trường xuất khẩu sang Mỹ do thuế quan của ông Trump.

Do đó, chính sách thương mại với thuế quan ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ của ông Trump - tức “cú sốc Mỹ” - sẽ làm trầm trọng thêm “cú sốc Trung Quốc” và thúc đẩy làn sóng bảo hộ thương mại trên toàn cầu.

“Cú sốc Mỹ sẽ thúc đẩy một cú sốc Trung Quốc nghiêm trọng hơn, khiến nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới sẽ phải nâng cao rào cản thương mại với Bắc Kinh. Viễn cảnh này chắc chắn sẽ xảy ra”, nhà kinh tế Richard Baldwin nhận xét tại hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Tokyo cuối tuần trước.

Theo ông Baldwin, một tin vui với nền kinh thế giới là Mỹ chỉ chiếm khoảng 15% thương mại toàn cầu và các quốc gia chiếm 85% còn lại bao gồm Trung Quốc vẫn muốn duy trì hệ thống như hiện tại.

“Phần còn lại của thế giới do Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu có thể hành động để duy trì tự do thương mại, dù phản ứng tức thời với chính sách thuế quan của ông Trump đã chia thế giới làm hai: ‘nhóm tuân thủ’ và ‘nhóm thách thức’”, vị chuyên gia nhận xét.

Với những công ty như Apple và Nike sau nhiều thập kỷ xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, thuế quan của ông Trump đe dọa mô hình kinh doanh của họ. Điều này có thể buộc họ phải tăng giá một số sản phẩm mang tính biểu tượng như điện thoại iPhone.

Còn với các nhà đầu tư toàn cầu, “cú sốc Mỹ” buộc họ phải cố gắng đánh giá thiệt hại kinh tế và đánh giá lại rủi ro trong thời kỳ đại bất ổn do tương lai đối đầu căng thẳng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo mạnh sau khi ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng với các mức thuế quan cao hơn dự báo. Thị trường trái phiếu và hàng hóa cũng biến động mạnh. Cổ phiếu Apple vừa ghi nhận đợt bán tháo 3 phiên liên tiếp với quy mô lớn nhất trong hơn 2 thập kỷ.

NỖI ĐAU NGẮN HẠN, TRÁI NGỌT DÀI HẠN?

Đến nay, ông Trump vẫn kiên định với các kế hoạch của mình. Chia sẻ với báo chí ngày 7/4, vị Tổng thống Mỹ nói rằng thuế quan là yếu tố “đặc biệt quan trọng” trong chương trình nghị sự kinh tế của ông  và sẽ không thay đổi. Theo ông, thuế quan sẽ mở ra cánh cửa để đạt được “thỏa thuận tốt với mọi quốc gia”.

Ông Trump và những người ủng hộ ông lập luận rằng việc vị Tổng thống đang giải quyết sự mất cân bằng về thương mại và nền kinh tế toàn cầu - nguyên nhân khiến nước Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong nhiều thập kỷ qua. Họ cho rằng điều này có thể gây ra “nỗi đau” trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ mang lại “trái ngọt”. Trên thực tế, kết quả của việc này đã được thể hiện dưới dạng việc làm và đầu tư tại Mỹ tăng lên.

Tuy nhiên, “nỗi đau” ngắn hạn đó cũng sẽ hiệu hữu tại chính nền kinh tế Mỹ. Các nhà kinh tế tại ngân hàng JPMorgan hiện dự báo Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2025. 92% nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg cho rằng thuế quan làm tăng nguy cơ xảy ra suy thoái của nền kinh tế số một thế giới.

“Mọi người dường như vẫn đang đánh giá thấp mức độ thiệt hại mà chính sách thuế quan của ông Trump gây ra cho ngành sản xuất của Mỹ và cả thế giới. Với các doanh nghiệp, thiệt hại sẽ kéo dài bởi sự bất ổn sẽ làm ảnh hưởng tới việc ra quyết định kinh doanh của họ”, bà Teresa Fort, chuyên gia thương mại tại Trường Kinh doanh Tuck thuộc Cao đẳng Dartmouth, nhận xét.

Phân tích mới đây về dữ liệu thương mại toàn cầu của Bloomberg cho thấy thuế quan Trump sẽ buộc các nền kinh tế trên thế giới phải xem xét lại các mối quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng nhất của mình.

Theo kịch bản mà ở đó thuế quan của ông Trump được thực hiện đúng như các kế hoạch đã công bố và các quốc gia bao gồm Trung Quốc đánh thuế với 50% hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa, tổng lượng hàng hóa từ các nền kinh tế trên thế giới vào Mỹ sẽ giảm khoảng 30% vào năm 2030 so với thời điểm 2024.

Ông Trump phát biểu trong sự kiện công bố thuế đối ứng tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ngày 2/4 - Ảnh: Bloomberg
Ông Trump phát biểu trong sự kiện công bố thuế đối ứng tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ngày 2/4 - Ảnh: Bloomberg

Trong đó, Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ giảm 85%. Hàng hóa từ các đối tác lớn khác như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giảm 50%, trong khi mức giảm từ EU và Ấn Độ là gần 40%. Việt Nam, quốc gia bị ông Trump áp thuế đối ứng 46%, được dự báo chứng khiến kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ giảm 75% vào năm 2030.

Thậm chí các quốc gia như Anh và Brazil - chịu thuế đối ứng cơ sở 10% - cũng giảm khoảng 15% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Cũng theo kịch bản này, trong khoảng thời gian trên, hầu hết các quốc gia ngoài Mỹ sẽ ghi nhận lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tối đa 5%.

THẾ GIỚI MẮC KẸT

“Với nền kinh tế toàn cầu, dù phạm vi và quy mô thuế quan của ông Trump gây ra rủi ro lớn hơn so với tình trạng dư thừa hàng hóa của Trung Quốc, sự kết hợp của hai cú sốc này gây áp lực nặng nè lên các quốc gia mắc kẹt ở giữa”, ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng tại Philippines của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhận xét. "Các nước này có thể sẽ khó hấp thụ được lượng hàng hóa lớn hơn từ Trung Quốc vì chính họ cũng phải chịu thuế quan cao hơn của Mỹ”.

Giáo sư luật Henry Gao tại Đại học Quản lý Singapore cho rằng dù “cú sốc Mỹ” có thể gây chấn động, nhưng sự thống trị ngành càng lớn của ngành sản xuất Trung Quốc gây sẽ tác động lớn hơn tới nền kinh tế thế giới.  

Theo vị giáo sư, trong hai cú sốc, “cú sốc” Mỹ gây ra nỗi đau tức thì do sự biến động và gián đoạn trong ngắn hạn như chúng ta đã thấy những ngày qua. Nhưng nếu tình trạng dư thừa và thống trị của ngành sản xuất Trung Quốc không được giải quyết căn bản, phản ứng thuế quan sẽ không chỉ đến từ Mỹ mà cả các quốc gia khác.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng xu hướng tăng trưởng xuất khẩu mạnh của Trung Quốc sẽ không kéo dài mãi mãi hoặc có thể đã đạt đỉnh. Trong khi đó, quy mô thực sự của các mức thuế quan của ông Trump vẫn còn là ẩn số vì Washington có thể giảm thuế cho một số quốc gia dù các cuộc đàm phán hiện tại vẫn chưa có nhiều tiến triển.

“Cú sốc Trump giờ đây rất khó đoán về quy mô bởi điều này phụ thuộc vào việc liệu ông có triển khai các kế hoạch đã công bố không”, ông Jude Blanchette, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Rand China tại Washington, nhận định.

“Cú sốc kép đẩy nhiều nền kinh tế vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tại các quốc gia như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và ở châu Âu, các nhà lãnh đạo đang xem xét lại mối quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ để tìm cách vượt qua tình trạng hỗn loạn hiện tại”, bà Karen Mathiasen, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện làm việc tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), nhận xét.

Còn ông Eswar Prasad, một cựu quan chức IMF, lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới và tác động sẽ kéo dài bao lâu.

“Sự suy yếu và dư thừa hàng hóa của nền kinh tế Trung Quốc đang trở thành một vấn đề nhức nhối của nền kinh tế toàn cầu, còn thuế quan Mỹ khiến tình hình thêm tồi tệ khi làm gia tăng bất ổn”, ông Prasad phát biểu. “Kể cả Mỹ rút lại các mức thuế quan mà ông Trump đã công bố, thiệt hại đã hiện hữu rồi, đó là mất đi niềm tin của doanh nghiệp của nhà đầu tư”.