Bộ Y tế họp khẩn, lên phương án ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là rất lớn do sự giao lưu đi lại giữa các nước...
Ngày 24/7, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới.
Cuộc họp đã thống nhất đánh giá đến ngày 24/7/2022, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.
Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.
Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng; nguy cơ mắc bệnh Đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao.
BS. Đỗ Hồng Hiên, Chuyên gia dịch tễ, Tổ chức WHO tại Việt Nam, cho biết Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. Do đó, cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế - những người có nguy cơ cao. Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý để khi có ca bệnh sẽ hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các nước cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singarpore đã ghi nhận ca bệnh. Việt Nam được WHO xếp thuộc vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Từ tháng 4, Việt Nam đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế. Vì vậy người dân ở các quốc gia khác vào Việt Nam thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.
Tại cuộc họp, để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị phối hợp với WHO, CDC Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương.
Cùng với đó, củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định tại các Viện Vệ dinh dịch tễ/Pasteur, các cơ sở y tế có năng lực. Tiếp tục phối hợp với WHO rà soát, cập nhật thông tin về tác nhân gây bệnh, chuẩn bị các trang thiết bị xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chuẩn đoán bệnh tại các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặt dịch bệnh kịp thời, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế chia sẻ thông tin tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để kịp thời cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật và biện pháp xử lý phù hợp tình hình dịch.
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là 'bệnh đậu mùa khỉ'. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công gô và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
Hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm virus đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết. Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.