Số ca mắc đậu mùa khỉ tăng gấp 3 sau một tuần, chủng virus thứ hai đang lây lan
Tính đến ngày 5/6, theo trang theo dõi tình hình y tế toàn cầu Global Health, ít nhất 30 quốc gia đã báo cáo về 933 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nhiều nước cũng báo cáo về 68 ca nghi ngờ đang chờ xác minh…
Tính đến nay, Vương Quốc Anh là đất nước phát hiện nhiều ca bệnh nhất với 277 trường hợp. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng lần lượt ghi nhận 189 và 143 ca bệnh. Ngoài ra, theo các truyền thông địa phương, tại châu Á, Campuchia và Thái Lan cũng đã phát hiện trường hợp mắc, nghi mắc. Tuy nhiên, những ca bệnh này chưa được báo cáo chính thức. Trong khi đó theo India Express, Ấn Độ ngày 4/6 phát hiện một ca nghi mắc đậu mùa khỉ là em bé 5 tuổi. Đây là ca nghi mắc căn bệnh này đầu tiên là trẻ em.
Như vậy, chỉ sau chưa đầy một tuần, số ca mắc đậu mùa khỉ đã tăng gấp 3 trên toàn cầu. Tờ Medical Xpress dẫn lời bà Jennifer McQuiston, Phó giám đốc Bộ phận Các mầm bệnh gây hậu quả cao và bệnh học của CDC Mỹ, cho hay có một số trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh trước đó, những cũng có ít nhất một trường hợp không liên quan đến du lịch và không biết vì sao họ bị nhiễm bệnh.
Mặc dù một số lễ hội của cộng đồng LGBT ở châu Âu được cho là có liên quan đến đợt bùng phát này, tuy nhiên các quan chức y tế cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn không được xếp vào bệnh lây truyền qua đường tình dục, vì nó không chỉ lây qua đường tình dục. Một người có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc da kề da với người bệnh, đặc biệt là từ dịch trong các bóng nước mọc trên cơ thể bệnh nhân, tương tự với các bệnh truyền nhiễm có sang thương da dạng bóng nước khác. Ngoài ra việc dùng chung một số vật dụng vệ sinh cá nhân, khăn, cũng có thể gây truyền nhiễm từ dịch cơ thể người bệnh.
Điều đáng quan ngại là phân tích di truyền các ca mắc đậu mùa khỉ gần đây cho thấy có hai chủng khác biệt đang lây lan ở Mỹ. Giới chức y tế liên quan cho hay nhiều ca mắc đậu mùa khỉ ở Mỹ là do chủng tương tự chùm dịch tại châu Âu - chủng Tây Phi. Chủng này gây tỷ lệ tử vong tương đối thấp, khoảng 1%. Song, một số trình tự gene cho kết quả là chủng khác. Chủng này đã được tìm thấy trong những bệnh nhân ở Mỹ, trước khi đợt bùng phát hiện tại xuất hiện.
Bà Jennifer McQuiston nhận định cần thêm phân tích từ nhiều bệnh nhân ở Mỹ để xác định bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan tại quốc gia này và những nơi khác trong bao lâu. “Tôi khá chắc chắn về khả năng những ca bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ đã xuất hiện trước khi nó được đưa vào tầm ngắm, nhưng không rõ ở mức độ nào. Có thể sự lây truyền của bệnh ở cấp độ cộng đồng đang xảy ra tại các vùng chưa xác định của Mỹ," bà Jennifer nói.
TS Raj Panjabi, Giám đốc cấp cao phụ trách an ninh y tế toàn cầu và bộ phận an toàn sinh học của Nhà Trắng, tiết lộ 1.200 liều vaccine và 100 gói điều trị đã được chuyển đến các bang ở Mỹ. Mỹ hiện sử dụng hai loại vaccine là Acam2000 và Jynneos, ban đầu được phát triển để chống lại bệnh đậu mùa. Mặc dù bệnh đậu mùa đã được loại bỏ, Mỹ vẫn giữ những vaccine này trong kho dự trữ quốc gia chiến lược. Trong đó, Jynneos được đánh giá là loại hiện đại hơn, ít tác dụng phụ hơn.
Theo đài CNBC, giới chức y tế Mỹ nhận định thế giới hiện chứng kiến đợt bùng phát đậu mùa khỉ lớn nhất từ trước đến giờ, đồng thời cho rằng virus này đang lây lan nhanh hơn suy nghĩ trước đây. Trong khi đó, người phát ngôn của hãng Bavarian Nordic cho biết hãng có kế hoạch tăng sản lượng vaccine Jynneos vào mùa hè này. Công ty hiện có khả năng sản xuất đến 30 triệu liều vaccine Jynneos mỗi năm.
Ngoài ra, một phát hiện của tiến sĩ Andrew Rambaut từ Đại học Edinburgh, Anh cùng cộng sự vừa đăng tải trên diễn đàn Virological cho thấy virus đậu mùa khỉ đang lây lan toàn cầu có tới 47 đột biến mới. Đây là con số được đánh giá là "lớn đến không ngờ". Theo đó, 47 đột biến này được tìm thấy trong trình tự bộ gene virus của những bệnh nhân thuộc làn sóng đang bùng phát bên ngoài châu Phi. Họ so sánh với bộ gene trước đó từ mẫu bệnh phẩm vào năm 2017 - 2019 ở Singapore, Israel, Nigeria và Vương Quốc Anh.
Trước đây, đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền ở các vùng châu Phi, nơi người dân bị nhiễm virus qua vết cắn của những loài gặm nhấm hoặc động vật nhỏ, nó thường không dễ lây giữa người với người. Theo tiến sĩ Rambaut, nhiều đột biến phát sinh do hoạt động của enzyme đặc biệt có trong vật chủ để ngăn chặn virus nhân lên.
Ông Rambaut cho rằng dựa trên kiểu đột biến được thấy trong bộ gene của virus được phân lập từ người vào năm 2017, đây là "dấu hiệu của sự nhân lên ở người". Vị chuyên gia nhận thấy sự kế thừa của những thay đổi cụ thể trong bộ gene virus 2017 đến 2018 và cuối cùng là 2022. Điều đó có nghĩa sự lây truyền virus từ người sang người đã liên tục xảy ra ít nhất từ năm 2017 đến nay.