Hơn 1.400 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và 66 ca tử vong tại Châu Phi
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã có hơn 1.400 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay ở châu Phi và 66 ca tử vong.
Bệnh đậu mùa khỉ do virus đậu mùa khỉ gây ra, cùng họ với virus đậu mùa nhưng ít nghiêm trọng hơn. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở các quốc gia Trung và Tây Phi, gần rừng mưa nhiệt đới. Virus lần đầu tiên được xác định trên khỉ nuôi nhốt và kể từ năm 1970 đã có các đợt bùng dịch được ghi nhận ở 10 quốc gia Châu Phi.
SỐ CA MẮC BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ NGOÀI KHU VỰC CHÂU PHI VƯỢT 1.000 CA
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo có hơn 1.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, đã có mặt ở 29 quốc gia ngoài châu Phi. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho hay thực tế đã có hơn 1.400 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay ở châu Phi và 66 ca tử vong.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế lại chỉ chú ý tới bệnh đậu mùa khỉ khi căn bệnh này xuất hiện tại các nước thu nhập cao. Dù thừa nhận một thực tế rằng nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ trở nên phổ biến ở những khu vực nơi hiếm khi ghi nhận căn bệnh, song ông Ghebreyesus nhấn mạnh điều này có thể ngăn ngừa được vào thời điểm hiện nay.
Hiện có hơn 1.000 ca mắc ở 29 quốc gia ngoài châu Phi được báo cáo trong đợt bùng phát, bắt đầu từ tháng 5 vừa qua. Các trường hợp lây nhiễm ngoài châu Phi vẫn chủ yếu ở nam quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các trường hợp ở nữ cũng đã được báo cáo. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều.
Nói về bệnh đậu mùa khỉ, bà Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO cho hay tiếp xúc gần giữa các cá nhân với nhau chính là cách lây lan bệnh đậu mùa khỉ. “Mặc dù bà nói thêm rằng nguy cơ lây truyền qua đường khí dung vẫn chưa được biết đầy đủ. Nhưng các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân đậu mùa khỉ nên đeo khẩu trang”, bà Rosamund Lewis khuyến cáo.
Trước đó, WHO cho biết ở những nước chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, ở những nước mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu, số ca mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng.
Các quốc gia mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu gồm: Cameroon, Trung Phi, CH Congo-Brazzaville, CHDC Congo, Liberia, Nigeria, Sierra Leone, Gabon, Côte d'Ivoire và Ghana - nơi mới ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ ở động vật. Trong số 7 quốc gia đầu tiên được liệt kê, 66 ca tử vong do mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trong 5 tháng đầu năm 2022.
VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC LÊN KẾ HOẠCH PHÒNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ
Việt Nam hiện chưa phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ, nhưng theo chuyên gia có thể một thời điểm nào đó sẽ có ca bệnh xâm nhập. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện các đơn vị vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với WHO, kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng tránh, triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như: Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Congo, Sierra Leone và Nam Sudan. Khi phát hiện, báo cáo ngay sở y tế để phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.
Cơ quan Y tế quốc gia Pháp (HAS) thông báo về chiến lược tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa khỉ sau khi 3 ca bệnh được phát hiện ở nước này. Chương trình tiêm phòng dành cho người trưởng thành, gồm cả nhân viên y tế. HAS khuyến nghị chỉ sử dụng vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ thế hệ thứ 3, lý tưởng nhất là trong vòng 4 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Bộ Y tế Ðức thông báo sẽ thực hiện cách ly ít nhất 21 ngày đối với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời khuyến cáo áp dụng cách ly tương tự với các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Ðức đã đặt 40.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa và trước mắt xem xét tiêm cho các trường hợp tiếp xúc gần các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Theo giới chức y tế Ðức, sự xuất hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ không phải là khởi đầu một đại dịch mới, song vẫn cần phản ứng sớm và kiên quyết.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ vừa ban hành cảnh báo mới liên quan bệnh đậu mùa khỉ, sau khi xác nhận 1 ca mắc ở bang Massachusetts và 4 ca nghi nhiễm ở New York, Florida và Utah. CDC đang theo dõi các ổ bệnh được ghi nhận trong nửa đầu tháng 5 tại những nước thường không công bố về bệnh đậu mùa khỉ.
Theo các chuyên gia, đậu mùa khỉ là virus hiếm gặp, thường lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Hiện chưa rõ nguyên nhân bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại nhiều nước hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các nghiên cứu lâm sàng về vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ và phương pháp điều trị, cũng như nghiên cứu về dịch tễ học và sự lây truyền của virus gây bệnh
Theo WHO, triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.