Chưa phải là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu dù virus đậu mùa khỉ có gần 50 đột biến
Mặc dù Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông rất lo ngại về sự bùng phát này, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra quyết định này chưa công nhận đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp sau cuộc họp khẩn vào cuối tuần trước…
Theo Tổng Giám đốc WHO, báo cáo của ủy ban khẩn cấp đã thể hiện lập trường chung giữa những quan điểm khác biệt của các thành viên. Cụ thể, trong báo cáo, ủy ban chuyên gia này đã khuyến nghị ông Tedros rằng ở thời điểm hiện tại bệnh đậu mùa khỉ chưa cấu thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) - mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố.
Tuy nhiên, theo ông Tedros, bản thân việc WHO triệu tập ủy ban đang thể hiện mối quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng lây lan quốc tế của đậu mùa khỉ.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu hiện chỉ áp dụng cho đại dịch Covid-19 và những nỗ lực không ngừng nhằm xóa sổ bệnh bại liệt. Theo WHO, hơn 3.200 ca mắc được xác nhận và một người tử vong được báo cáo trong 6 tuần qua, tại 48 quốc gia nơi bệnh này không thường lây lan. Đến nay, gần 1.500 người mắc và 70 trường hợp tử vong ở Trung Phi, nơi căn bệnh này trở thành đặc hữu, chủ yếu là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Quyết định này của WHO vấp phải sự phản đối của một số chuyên gia. Các chuyên gia y tế toàn cầu cho biết WHO có thể đã do dự khi đưa ra tuyên bố vì hồi tháng 1/2020, tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã vấp phải sự hoài nghi trên toàn thế giới. Song, những chuyên gia khác cho biết đợt bùng phát hiện tại đáp ứng các tiêu chí để được gọi là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đến nay WHO mới 6 lần tuyên bố một bệnh là PHEIC kể từ năm 2009, lần gần nhất là với đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Trong khi đó, theo Bloomberg, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 24/6 của nhóm chuyên gia tại Bồ Đào Nha nhận định, chủng virus đậu mùa khỉ của đợt bùng phát hiện nay vẫn tiếp tục phát triển, sản sinh ra những đột biến. Đặc biệt, các phiên bản mới của sự tiến hóa gồm một số thay đổi nhỏ trong mã di truyền, các biến thể gene nhỏ và một gene đã bị xóa.
Theo đó, chủng virus này là "hậu duệ" của chủng từng gây bệnh ở các khu vực châu Phi. Hiện nay, nó có khoảng 50 đột biến di truyền so với chủng gốc ban đầu trong đợt bùng phát năm 2018 - 2019 ở lục địa này. Sự tiến hóa của virus này được nhận xét là đột biến với tốc độ chưa từng có. GS Joao Paulo Gomes, Viện Y tế Quốc gia Bồ Đào Nha, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Thật bất ngờ khi phát hiện rất nhiều đột biến trong virus đậu mùa khỉ phiên bản 2022. Trên thực tế, nó vốn là virus không có nhiều hơn 1 - 2 đột biến xuất hiện mỗi năm".
Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây từ người này sang người khác. Các nhà khoa học vẫn chưa rõ làm thế nào các đột biến này xuất hiện trong giải trình tự gene của virus đậu mùa khỉ và nó có gây tác động tới độc lực, mức độ lây lan hay không. Giới nghiên cứu cho biết cần thêm nhiều công trình để hiểu rõ hơn về những thay đổi của virus.
Nhà sinh vật học tiến hóa Trevor Bedford, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, cho biết thông tin di truyền có sẵn đến nay chỉ ra tại một số thời điểm trong vài năm qua, virus đã lây lan tốt hơn giữa người với người.Tiến sĩ Bedford nói: “Các mẫu gene cho thấy điều này bắt đầu xảy ra vào khoảng năm 2018. ".
Trước đó, kết quả giải trình tự gene do tiến sĩ Andrew Rambaut, Đại học Edinburgh, Anh thực hiện cho thấy virus đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát mới có tới 47 đột biến. Trong công trình đăng trên diễn đàn Virological.org, nhà khoa học Andrew Rambaut cùng các cộng sự đã phân tích: "47 mẫu trong khoảng thời gian ba đến 4 năm là con số lớn đến không tưởng. Vì đậu mùa khỉ được coi là loại virus lây truyền từ động vật sang người, đây có thể là bằng chứng cho thấy nó đã có sự thích nghi, tạo điều kiện lây truyền bền vững". Dựa trên kiểu đột biến trong bộ gene virus phân lập từ năm 2017 đến năm 2018 và đợt bùng phát 2022, ông cho rằng virus đã ngấm ngầm lây truyền trong cộng đồng ít nhất 5 năm.
Số lượng đột biến mà các quốc gia tìm thấy chứng tỏ virus đậu mùa khỉ tiến hóa với tốc độ cao hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, đồng tình với tuyên bố của WHO, tiến sĩ bệnh truyền nhiễm người Nga Yevgeny Timakov cho rằng chưa thể coi đậu mùa khỉ là đại dịch, bởi số lượng ca nhiễm ở mức thấp, chủng virus này không có khả năng lây nhiễm cao. “Không có lý do gì để coi đây là đại dịch. Chỉ có một số rất ít người ốm bệnh, virus không có khả năng lây nhiễm cao. Virus có thể thay đổi theo cách thức nào đó, nhưng chúng không tạo ra nguy cơ trên phạm vi toàn cầu,” chuyên gia Timakov lý giải.