Bộ Y tế: Thận trọng khi điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cần thực hiện thận trọng, có lộ trình. Đặc biệt, được xem xét trên cơ sở đánh giá chỉ số giá tiêu dùng; khả năng chi trả của người dân; cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế...
Nội dung được Bộ Y tế nêu rõ trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị sớm ban hành quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám chữa bệnh. Đồng thời, quy định cụ thể giá dịch vụ khám chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán; giá dịch vụ khám chữa bệnh do ngân sách Nhà nước thanh toán; giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế. Từ đó, để các địa phương có cơ sở ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Phản hồi cử tri, Bộ Y tế cho biết thực hiện quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Đến nay, dự thảo Thông tư đã hoàn thành các quy trình trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 992/TTr-BYT ngày 9/8/2024 xin phép ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn, để có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành.
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, cần phải thực hiện một cách thận trọng và theo lộ trình cụ thể.
Việc này phải được xem xét trên cơ sở đánh giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhằm đảm bảo giá dịch vụ được điều chỉnh phù hợp, mà vẫn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tránh gây xáo trộn và thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Đồng thời, việc điều chỉnh cũng phải dựa trên khả năng chi trả của người dân và khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế. Thực hiện theo đúng chủ trương và quy định của Đảng và Nhà nước.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng được tính dựa trên mức lương cơ sở và các yếu tố kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh giá bảo hiểm y tế không phải là tăng chi phí riêng lẻ mà phụ thuộc vào sự điều chỉnh mức lương cơ sở, nhằm đảm bảo tương ứng với sự phát triển kinh tế và nhu cầu cải thiện quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân.
Hiện nay, Chính phủ đã điều chỉnh chính sách tiền lương mới với mức lương cơ sở tăng thêm 30%. Điều này dẫn đến mức đóng bảo hiểm y tế của hầu hết các nhóm đối tượng đều tăng theo.
Việc tăng mức đóng không chỉ nhằm đáp ứng sự điều chỉnh của lương cơ sở, mà còn giúp tăng thu cho Quỹ Bảo hiểm y tế, từ đó tăng khả năng chi trả cho các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đây cũng là cơ sở để Bộ Y tế tiến hành điều chỉnh giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân, và giảm bớt chi phí người dân phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh.
Cụ thể, giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở; mức chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở mà người bệnh được hưởng 100% sẽ được tăng lên; mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật tính theo lương cơ sở theo Thông tư số 04/2017/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ được tăng lên.
Ngoài ra, chính sách và chế độ bảo hiểm y tế được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Đây là cơ chế tài chính quan trọng để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong bối cảnh Quỹ Bảo hiểm y tế cần được duy trì và cân đối lâu dài.
Đặc biệt, những đối tượng gặp khó khăn về kinh tế như người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống tại vùng khó khăn đều được Nhà nước hỗ trợ từ 30% đến 100% mức đóng bảo hiểm y tế, tùy theo điều kiện cụ thể của từng nhóm.