BSC: EVN có thể tăng giá bán lẻ điện bình quân lên đến 8% trong năm 2025
Năm 2025, BSC dự báo EVN có thể tăng giá bán lẻ điện bình quân 4 – 8% trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân hiện hành vẫn thấp hơn giá thành sản xuất điện năm 2023 (2,088.90 đ/kWh)...
Như VnEconom đưa tin, EVN đã công bố tăng giá bán lẻ điện bình quân kể từ ngày 11/10/2024 là 2.103,1159 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Như vậy, trong giai đoạn 2009 – 2024, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 13 lần. TGiai đoạn 2015 - 2019, các đợt điều chỉnh giá điện cho thấy sự ổn định hơn. Giá điện trung bình được điều chỉnh 2 năm/lần, với mức tăng trung bình 7,31%/lần.
Giai đoạn 2019 – 2022, giá điện được giữ nguyên để hỗ trợ nền kinh tế do các yếu tố trong và ngoài nước không thuận lợi: Đại dịch Covid-19 nổ ra năm 2020; Xung đột giữa Nga – Ukraine nổ ra đầu năm 2022 khiến cho giá năng lượng tăng vọt, kéo theo lạm phát toàn cầu tăng lên. Năm 2022, do biến động giá nhiên liệu gồm than, dầu, khí trên thế giới làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao, kéo theo chi phí mua điện của EVN tăng mạnh, giá vốn hàng bán năm 2022 tăng 16,64%, dẫn đến lợi nhuận gộp của EVN năm giảm 72.35% so với cùng kỳ năm 2021. Sau cùng, EVN lỗ 20,747 tỷ đồng.
Vì vậy trong năm 2023, sau bốn năm không thay đổi, giá điện đã được điều chỉnh tăng hai lần vào tháng 5 và tháng 11/2023 với tổng mức tăng của hai lần là 7,64%.
Năm 2024, Bộ Công thương đã tiến hành kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2,088.90 đ/kWh tăng 2,79% trong khi giá bán lẻ điện hiện hành lúc đó là 2,006.79 đ/kWh. Kết quả, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng, lỗ -21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác). Vì vậy, ngày 11/10/2024, giá điện đã được điều chỉnh tăng +4.8%
Năm 2025, BSC dự báo EVN có thể tăng giá bán lẻ điện bình quân 4 – 8% trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân hiện hành vẫn thấp hơn giá thành sản xuất điện năm 2023 (2,088.90 đ/kWh).
Trong năm 2024, áp lực tỷ giá thậm chí còn lớn hơn nhiều so với năm 2023, gây áp lực cho chi phí đầu vào của EVN. USD/VND đã trải qua một đợt tăng dốc từ cuối năm 2023 đến giữa tháng 7/2024, mức đỉnh 25,7470, tăng 4,95% từ đầu năm. Hiện tại, tuy tỷ giá đã hạ nhiệt nhưng vẫn đang ở mức cao; Nguồn cung điện giá rẻ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Theo nhận định của Chứng khoán BSC, việc tăng giá điện với quyền số giá điện sinh hoạt trong rổ CPI là 3,31%, giá điện tăng 4.8% làm CPI tăng 0,16%. Giá điện tăng tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất cũng như sinh hoạt trong toàn nền kinh tế, do đó sẽ kéo theo mặt bằng giá cả hàng hóa chung tăng lên, làm tăng tốc độ lạm phát. Tuy nhiên, tác động vòng hai sẽ có độ trễ.
Mức tăng này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến lạm phát năm 2024 do giá điện được điều chỉnh lần gần nhất khi sắp hết năm (ngày 11/10/2024). BSC điều chỉnh dự báo lạm phát trung bình năm 2024 ở mức 3,86 – 4,5% so với cùng kỳ và nghiêng về kịch bản tích cực hơn.
Đối với các nhóm ngành, theo BSC, ngành thép sẽ bị ảnh hưởng nhẹ khi giá điện tăng do các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu sử dụng lò cao để sản xuất. Ngành xi măng bị ảnh hưởng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh sức mua yếu, các doanh nghiệp xi măng khó có thể chuyển chi phí điện sang giá bán.
Giá điện tăng không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp nhựa nhưng sẽ làm tăng chi phí sản xuất các doanh nghiệp phân bón từ 0.14% - 0.48%; Giá điện tăng cũng làm tăng chi phí sản xuất các doanh nghiệp hoá chất từ 1,2% - 1,68%. Với nhóm Điện - - Các doanh nghiệp phát điện được hưởng lợi gián tiếp. Với riêng EVN, doanh nghiệp này sẽ cải thiện tình hình tài chính và trả bớt các khoản nợ tiền điện.