07:52 20/12/2021

“Bức tranh sáng” của thị trường M&A Việt Nam thời đại dịch

Khánh Huyền

Bất chấp những khó khăn của dịch bệnh, hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập) tại Việt Nam vẫn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là cơ sở khiến tiềm năng của thị trường tiếp tục được các nhà đầu tư kỳ vọng trong năm 2022...

Các diễn giả tham dự diễn đàn đều bày tỏ sự lạc quan với tiềm năng bùng nổ của thị trường M&A Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới.
Các diễn giả tham dự diễn đàn đều bày tỏ sự lạc quan với tiềm năng bùng nổ của thị trường M&A Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ” do báo Đầu tư tổ chức ở Tp.HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định trong năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng.

NHÀ ĐẦU TƯ HỒ HỞI THAM GIA THỊ TRƯỜNG

Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.

Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019.

Theo ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, nhiều quốc gia Bắc Á tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, đây là tín hiệu rất tốt cho thị trường.

“Các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm ngành tài chính, chăm sóc y tế sức khỏe, bán buôn – bán lẻ, IT… Các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến ngành thương mại điện tử, logistics…”, ông Warrick Cleine nói thêm.

Ông Masataka “Sam” Yoshida - Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cũng cho biết mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 2 trong danh sách các điểm đến quan trọng nhất của Nhật Bản tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Dự báo về xu hướng đầu tư trong thời gian tới, ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM cho rằng ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng sẽ luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Các ngành mới hấp dẫn trong những năm tới là năng lượng tái tạo, dược phẩm, viễn thông, cơ sở hạ tầng.

KHỐI NGOẠI VÔ CÙNG HỨNG THÚ VỚI M&A BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM

Chia sẻ dưới góc nhìn của chủ đầu tư nước ngoài, ông Angus Liew - Tổng giám đốc Gamuda Land (HCMC) nhận định không chỉ với Gamuda Land mà với tất cả các doanh nghiệp bất động sản, M&A là giải pháp chiến lược để mở rộng kinh doanh nhanh chóng tại Việt Nam. Đó là cách thuận tiện (tiết kiệm thời gian đền bù giải tỏa, thủ tục phê duyệt dự án) để có được một khu đất phát triển dự án nhanh chóng.

Với góc nhìn của chủ đầu tư nước ngoài, ông Angus Liew nhận định M&A là giải pháp chiến lược để mở rộng kinh doanh nhanh chóng tại Việt Nam.
Với góc nhìn của chủ đầu tư nước ngoài, ông Angus Liew nhận định M&A là giải pháp chiến lược để mở rộng kinh doanh nhanh chóng tại Việt Nam.

“Ngoài việc tìm kiếm cơ hội mua lại các dự án, chúng tôi cũng cung cấp cho thị trường những thương vụ M&A tại các dự án thành phần trong khu đô thị của mình, mời gọi các công ty khác tham gia. Chúng tôi làm 2 việc này song song. Chúng tôi đã ở đây 15 năm, có đội ngũ vững mạnh, nên đây là thời điểm để nắm bắt cơ hội tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi đang tận dụng lợi thế này”, ông Angus Liew nói thêm.

Đại diện của nhà kiến tạo đô thị hàng đầu Malaysia cũng cho rằng, yếu tố để có được một thương vụ M&A thành công là cần duy trì khả năng cạnh tranh cao, xây dựng nguồn lực nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi đầu tư rất lớn cho hoạt động nghiên cứu thị trường, đây là vấn đề quan trọng, bởi thông tin thị trường bất động sản Việt Nam khá phân tán, không dễ để dự đoán”, ông Angus Liew cho biết.

Là một tên tuổi bất động sản lẫy lừng tại Đông Nam Á, Gamuda Land gây tiếng vang với những dự án siêu đô thị ấn tượng trong khu vực. Hai dự án mang đậm dấu ấn của nhà phát triển đô thị xanh này tại Việt Nam là Gamuda City rộng 274 ha tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, và Celadon City quy mô 82 ha ở quận Tân Phú, Tp.HCM. Dù thế mạnh chính là phát triển khu đô thị, nhưng ông Angus Liew cho biết doanh nghiệp này đang quan tâm đến việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình tại Việt Nam, như các dự án phức hợp cao tầng, khu nhà ở kết hợp thương mại, v.v… ông khẳng định Gamuda Land hoàn toàn có đủ năng lực để khai phá những phân khúc này.

Các chủ đầu tư nước ngoài đang tích cực triển khai các thương vụ M&A dự án bất động sản tại Việt Nam. Ảnh: Celadon City (Gamuda Land).
Các chủ đầu tư nước ngoài đang tích cực triển khai các thương vụ M&A dự án bất động sản tại Việt Nam. Ảnh: Celadon City (Gamuda Land).

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Thái Phiên - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nova Group cho biết M&A là một trong những phương thức chính để doanh nghiệp địa ốc này mở rộng quy mô trong nhiều năm qua.

"Chỉ 10-20% quỹ đất NovaLand đang có chủ yếu do tự phát triển, đền bù đất, còn lại là mua trên thị trường thứ cấp. Trong khoảng 2017-2018, khi quỹ đất tại Tp.HCM khan hiếm hơn, chúng tôi quyết định ra khu vực lân cận như Đồng Nai, Hồ Tràm, Phan Thiết…”, ông Nguyễn Thái Phiên dẫn chứng.

Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, tập đoàn này cũng đang nổi lên với hàng loạt thương vụ M&A ở nhiều lĩnh vực khác như bán lẻ, ăn uống, dịch vụ. Theo ông, ban đầu NovaGroup tự phát triển các lĩnh vực này, sau đó mở rộng thêm thông qua hoạt động M&A để tạo ra hệ sinh thái của Nova Service Group.