Các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát
Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Cùng với đó, bệnh dại ghi nhận có số ca tử vong cao (100% ca mắc là tử vong), năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong, riêng 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái…
Ngày 27/3/2024, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.
BỆNH DẠI VÀ CÚM GIA CẦM KHÓ KIỂM SOÁT
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết hơn 2 thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A (H5N1), đại dịch cúm A (H1N1), MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Trong đó, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi trên người có nguồn gốc từ động vật. Bệnh lây truyền từ động vật, khó kiểm soát nguồn lây, khó khăn cho công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 5 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013. Với cúm A (H5N1), sau 8 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, thế nhưng trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh vật nuôi đối với những bệnh lây truyền sang người, lãnh đạo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết năm 2023, trên thế giới có 8.205 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.
“Do nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật, nên để phòng, chống và kiểm soát các bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần một sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền”.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế.
Tại Việt Nam, năm 2023 có 21 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 11 tỉnh, buộc tiêu hủy hơn 40 nghìn con gia cầm. Trong 3 tháng đầu năm 2024, có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 6 tỉnh, buộc tiêu hủy gần 9 nghìn con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với bệnh dại trên chó, mèo, lãnh đạo Cục Thú y cho hay từ 1/1/2021 - 22/3/2024, thế giới ghi nhận 1.411 ổ dịch dại động vật xảy ra ở 156 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, năm 2023 có 347 ca bệnh dại trên động vật (tăng 2,6 lần so với năm 2022) tại 31 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Từ ngày 1/1/2024 - 25/3/2024 xảy ra 56 ổ dịch dại trên động vật tại 25 tỉnh, thành phố; số chó, mèo chết và tiêu hủy 192 con.
Theo Cục Thú y, hiện cả nước có 4.936.491 hộ nuôi chó mèo, với tổng đàn 7,6 triệu con chó, mèo. Năm 2023, cả nước đã sản xuất và nhập khẩu 6,99 triệu liều vaccine phòng bệnh dại chó, mèo. Trong 3 tháng đầu năm 2024, đã sản xuất, nhập khẩu 3,15 triệu liều; số lượng vaccine đang bảo quản tại kho là 3,56 triệu liều. Dự kiến vaccine dại sản xuất, nhập khẩu 3 quý cuối năm 2024 là 6,12 triệu liều.
Chỉ ra những tồn tại trong phòng, chống bệnh dại, lãnh đạo Cục Thú y cho rằng nhiều địa phương chậm, chưa tổ chức triển khai đúng, đủ các quy định về phòng chống dịch. Nhiều địa phương không quản lý được đàn chó, thống kê không chính xác số lượng đàn chó. Nhiều nơi để xảy ra dịch bệnh, nhưng không xử lý trách nhiệm, trước hết trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã, huyện; cấp tỉnh chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm chỉ đạo, chậm hoặc thiếu bố trí kinh phí tiêm phòng vaccine.
Trong khi đó, hệ thống y tế dự phòng không nắm rõ, đầy đủ số lượng người bị chó cắn để điều trị dự phòng. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa ngành thú y và y tế ở một số địa phương còn rất lỏng lẻo.
CẦN SỰ PHỐI HỢP GIỮA NHIỀU NGÀNH
TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết năm 2023, tại 30/63 tỉnh thành, phố đã có 82 người bị bệnh dại do chó cắn, tăng 12 ca so với 2022. Trong đó, Khu vực miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (37,8%), miền Nam và Tây Nguyên (24,4%), miền Trung (13,4%).
Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 27 bệnh dại trên người, tăng 16 ca so với cùng kỳ 2023. Năm 2023 ghi nhận số lượng người tiêm vaccine phòng dại tăng vọt (tăng 45% so với 2022).
Đối với dịch cúm A(H5N1), ông Đức cho hay bệnh này được ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Từ đó đến nay, có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là 2004-2009 ghi nhận 112 người mắc bệnh, trong đó có 57 ca tử vong. Tháng 3/2024 ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa.
“Thiệt hại về kinh tế do bệnh dại trên người gây ra tại Việt Nam ước tính tiêu tốn 800 tỷ đồng/năm chỉ riêng cho vaccine và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp”.
TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
Ông Hoàng Minh Đức cho rằng dịch bệnh dại và Cúm A (H5N1) diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát từ các ổ chứa tự nhiên. Nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị. Tuy nhiên sự phối hợp liên ngành không đồng bộ.
"Người dân e ngại việc tiêm vaccine phòng dại do có nhiều tác dụng phụ, dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ y tế công nhận. Hiện giá vaccine dại tương đối cao (1,2-1,5 triệu/liệu trình) gây khó khăn trong việc chi trả của người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa", ông Đức nói.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thời tiết diễn biến thất thường, trong khi đó đường biên giới dài, giao lưu thương mại, cùng đó là thói quen giết mổ nhỏ lẻ... là những yếu tố nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
"Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc này", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.