Kết nối Kinh tế tuần hoàn và Một sức khỏe.
Kinh tế tuần hoàn (CE) tạo ra nhiều lợi ích như giảm áp lực lên môi trường, cải thiện an ninh nguồn cung nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh, kích thích đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế , tạo việc làm. Trong khi đó, Một sức khỏe (OH) là một cách tiếp cận tổng hợp, thống nhất nhằm mục đích cân bằng bền vững và tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật và hệ sinh thái…
Tại phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy các giải pháp Kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe” vào chiều 28/6, các chuyên gia cho rằng cần có sự kết nối hoạt động giữa Kinh tế tuần hoàn và Chương trình Một sức khỏe. Sự kiện thuộc khuôn khổ Hội nghị Khởi động xây dựng kế hoạch thực hiện kinh tế tuần hoàn.
QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA Y TẾ
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD), thành viên Liên minh PHA, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cho biết CHERAD ra đời từ năm 2012 với nhiều hoạt động nhằm nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Đề cập về Kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế, ông Nguyễn Huy Nga cho hay cả nước có hơn 13.500 cơ sở y tế, điều trị. Khoảng 15% số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, ước tính 22 tấn/ngày. Trong đó, 65% chất thải nhựa là chất thải lây nhiễm. Nhựa được sử dụng với số lượng rất lớn, bị vứt bỏ sau 1 lần sử dụng do yêu cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Theo PGS.TS Nga, hiện quản lý chất thải nhựa y tế còn lúng túng, do: thiết kế, sản xuất chưa chú trọng bảo vệ môi trường; khi mua sắm thì thiếu quy định mua sắm xanh, hạn chế trong đấu thầu.
Ở khâu sử dụng thiết bị y tế, hiện thiếu quy định giảm thiểu, phân loại, thu gom theo mục đích tái chế. Nhân viên y tế chưa nắm vững cách phân loại chất thải nhựa thành các chất thải tái chế hoặc chất thải lây nhiễm; tự ý bán chất thải ra ngoài.
Trong khi đó, thuê xử lý chất thải nhựa y tế là gánh nặng lớn về chi phí. Phương pháp xử lý chính vẫn là đốt hoặc chôn lấp, tạo nguy cơ lây nhiễm.
“Khi thiết lập Kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế, thì chất thải nhựa y tế thông thường được giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế tối đa; chất thải nhựa y tế lây nhiễm được khử khuẩn loại bỏ yếu tố lây nhiễm và bán cho đơn vị tái chế để tạo ra sản phẩm quay lại phục vụ cơ sở y tế hoặc bán ra cộng đồng. Đồng thời, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tạo nguồn thu cho bệnh viện, thay vì mất nhiều tiền thuê xử lý”, PGS.TS Nga nhận định.
Nêu lên nhiều ý tưởng mới và cơ hội hợp tác thiết lập hệ sinh thái Kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế, PGS.TS Nga cho rằng có thể hợp tác doanh nghiệp sản xuất, tái chế thiết bị y tế với các bệnh viện tư; hợp tác công tư trong mua sắm xanh; hợp tác doanh nghiệp với các tổ chức và mạng lưới quốc tế để phát triển chuỗi cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế thân thiện môi trường. Hợp tác với các nhà tài trợ tiềm năng cho sức khỏe.
TÍNH BỀN VỮNG, KINH TẾ TUẦN HOÀN VÀ MỘT SỨC KHỎE
TS.BS Phạm Đức Phúc, Điều phối viên của VOHUN, cho biết Kinh tế tuần hoàn (CE) là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
CE là một mô hình sản xuất và tiêu dùng, bao gồm: chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang và tái chế, nhờ đó vòng đời của sản phẩm được kéo dài. CE tạo ra lợi ích: giảm áp lực lên môi trường, cải thiện an ninh nguồn cung nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh, kích thích đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (thêm 0,5% GDP), tạo việc làm.
Một sức khỏe (OH: one health) là một cách tiếp cận tổng hợp, thống nhất nhằm mục đích cân bằng bền vững và tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật và hệ sinh thái. OH thừa nhận sức khỏe của con người, động vật trong nước và hoang dã, thực vật, và môi trường, hệ sinh thái được liên kết chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau.
OH huy động nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và cộng đồng ở các cấp độ xã hội khác nhau hợp tác để tăng cường sức khỏe và giải quyết các mối đe dọa đối với sức khỏe và hệ sinh thái, đồng thời giải quyết nhu cầu chung về nước sạch, năng lượng và không khí, thực phẩm an toàn và dinh dưỡng.
"PHA sẽ tạo ra một tiếng nói thống nhất về vấn đề nhựa và sức khỏe đóng góp vào quá trình nghiên cứu, xây dựng mô hình thực hành tốt, thảo luận và vận động chính sách liên quan đến sức khoẻ môi trường".
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng thư ký Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe (PHA).
Ông TS.BS Phúc cho rằng CE và OH cần hướng đến các hoạt động chung để hiểu rõ hơn về các mối tương tác giữa hệ sinh thái, sức khỏe và tính bền vững trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội.
“Covid-19 đang có tác động đáng kể đến các ngành, điều này đã nêu bật vai trò quan trọng của quản lý bền vững sức khỏe, môi trường và an toàn công cộng. Như vậy cần tiếp cận vấn đề theo quan điểm rộng nhất của Một sức khỏe và Nền kinh tế tuần hoàn, tính bền vững của sự phát triển”, TS.BS Phúc nhấn mạnh.
Cụ thể hóa sự kết nối giữa Kinh tế tuần hoàn và một sức khỏe, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng thư ký Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe (PHA), cho biết PHA được thành lập vào tháng 12/2021 dưới sự bảo trợ của dự án Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương do Quỹ hỗ trợ phát triển Hoa Kỳ-USAID tài trợ.
Các thành viên sáng lập của PHA gồm: Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub); Trung tâm tư vấn, đào tạo và phát triển địa phương (STG); Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE)-Bộ Tài nguyên và Môi trường; Mạng lưới Đại học Một Sức khỏe Việt Nam (VOHUN) thuộc Đại học Y tế Công cộng (HUPH); Công ty TNHH Hệ thống Quản lý Tích hợp Toàn cầu (Gimasys)…
PHA ra đời dựa trên nhu cầu cùng hành động và đưa ra một tiếng nói thống nhất về vấn đề nhựa và sức khỏe của 5 tổ chức sáng lập nêu trên và 16 tổ chức, đơn vị đối tác khác. Đến thời điểm hiện tại PHA đã có trên 20 đối tác đốt tác là các đơn vị, tổ chức khác nhau.
PHA sẽ kết nối các mạng lưới hiện có liên quan đến chất thải nhựa tại Việt Nam trong một sân chơi chung (Network-to-Network), qua đó kiến tạo một nền tảng thông tin số, chia sẻ thông tin nền, tạo cơ sở dữ liệu đáng tin cậy trong lĩnh vực Nhựa và Sức khoẻ (Information Hub).
"Tầm nhìn của PHA sẽ trở thành một Đối tác tiên phong và tự chủ, hợp tác có trách nhiệm trong lĩnh vực Nhựa và Sức Khoẻ vì một môi trường sống lành mạnh cho thế hệ tương lai của Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.